Mặc dù ngân sách Nhà nước khó khăn nhưng vốn đầu tư cho các công trình giao thông vẫn bảo đảm.

Năm 2008, trong nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, Nghệ An dành 85.000 triệu đồng cho giao thông vận tải (trong đó trả nợ công trình năm trước 17.728 triệu đồng).

Năm 2009, do lạm phát vốn bố trí giảm xuống, chủ yếu thực hiện công trình chuyển tiếp nhưng vẫn đảm bảo 70.000 triệu đồng (công trình chuyển tiếp 41.500 triệu đồng). Năm 2010, vốn đầu tư cho giao thông 104.800 triệu đồng. Trong đó công trình trả nợ chỉ 2.000 triệu.

Năm nay, mặc dù Chính phủ yêu cầu các tỉnh rà soát, giảm bớt những công trình xây dựng cơ bản chưa thật cần thiết để chống lạm phát, (tỉnh đã cắt 11 công trình) nhưng vốn dành cho các công trình giao thông vận tải vẫn còn 95.000 triệu đồng, chủ yếu công trình tiếp tục và mới. (Vốn trả nợ chỉ 2.000 triệu). Đây là sự ưu tiên vì so sánh trong lĩnh vực nông- lâm- thủy lợi- diêm nghiệp, trong 2011 mới có 70.600 triệu đồng. Trong đó công trình trả nợ lại chiếm đến 8.560 triệu đồng.

765173_small_62551.jpg

                                 Mở rộng đường ở Thanh Chương.


Cụ thể vốn 2 công trình trả nợ trong năm 2011 là cải tạo nâng cấp đường 33 (từ Thanh Lĩnh đi Cát Văn (Thanh Chương) 868 triệu đồng và nợ cầu treo Lam Khê 1.191 triệu đồng. Còn lại 24 công trình đường tiếp tục với tổng vốn 66.000 triệu đồng. Trong đó có những công trình vốn lớn như: đường giao thông vùng nguyên liệu sắn huyện Yên Thành 4.000 triệu đồng; đường giao thông Quỳnh Thạch - Quỳnh Thanh - Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) 4.000 triệu đồng và đường ngay trục chính khu trung tâm huyện lỵ mới Nghĩa Đàn 4.000 triệu đồng.

Trục đường huyết mạch từ xã Nghĩa Xuân qua Minh Hợp - Vân Lợi - Hạ Sơn huyện miền núi Quỳnh Hợp cũng được bố trí vốn 3.000 triệu đồng. Riêng tuyến đường quê Bác (nối làng Sen, làng Kim Liên với làng Đan Nhiệm (xã Xuân Hòa) được bố trí 5.500 triệu đồng. Số công trình còn lại chỉ từ 1 đến 3 tỷ đồng.

Đối với 11 công trình thi công mới năm nay, vốn bố trí 27.000 triệu đồng.

Trừ đường 33 (huyện Yên Thành) được bố trí đến 6.000 triệu đồng, và đường 205 đoạn từ Quốc lộ 7A đến xã Diễn Tháp (Diễn Châu) 4.000 triệu đồng, còn lại chỉ từ 2.000 đến 3.000 triệu đồng. Như vậy, vẫn là sự ưu tiên vì công trình mới trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cho 9 công trình thủy lợi và nước sạch cũng chỉ 6 tỷ đồng.


Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ nói trên, thành phố, thị xã và các huyện trong năm nay được bố trí nguồn vốn 954.460 triệu đồng trong xây dựng cơ bản. Trong đó các địa phương cũng bố trí từ 1/3 đến 1/2 tổng số vốn cho lĩnh vực giao thông. Đó là chưa kể vốn góp "Nhà nước và nhân dân cùng làm" ở các xã và phường hàng tỷ đồng trong phong trào xây dựng đường giao thông và xây dựng nông thôn mới.


Riêng ở miền núi, các dự án thuộc Chương trình 135 cũng ưu tiên cho công trình giao thông và giao thông kết hợp thủy lợi. Năm 2010, trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng do Ban dân tộc quản lý đã có vốn tới 118.600 triệu đồng; trong đó có 37 đường giao thông các bản ra đường lớn. Năm nay tuy số hạng mục ít hơn (chỉ 35) nhưng vốn đầu tư lại tăng thêm 8%.


Hoàng Chỉnh