Góp phần tăng thu ngân sách
Công tác
đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất là lĩnh vực khá nhạy cảm và phức tạp. Trước đây, mặc dù Luật đã quy định nhưng do thiếu hướng dẫn cụ thể và cơ chế giám sát nên trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này có sự lỏng lẻo dẫn đến rối loạn.
Thế nhưng, từ khi UBND tỉnh nhân rộng việc đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức gián tiếp, bỏ phiếu kín hoạt động này đã thực sự đi vào quy lát.
Qua tìm hiểu tại Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) cũng cho thấy nếu như năm 2018, việc đấu giá QSD đất được tiến hành trực tiếp, bình quân giá bán chỉ tăng 0,19% so với giá khởi điểm, trong đó có địa phương giá bán đất gần ngang với giá khởi điểm. Thế nhưng bước sang năm 2019, nhờ đấu giá gián tiếp và bỏ phiếu kín, giá bán đã tăng bình quân 34,58% so với giá khởi điểm.
Ông Đào Xuân Sơn – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Lưu cho hay: Từ khi chuyển sang đấu giá QSD đất bằng gián tiếp, mặc dù chưa bán hết lô đất theo kế hoạch nhưng số thu về ngân sách đã vượt gần 50%. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu của người cần đất, một số nhà đầu tư lớn đã tham gia và đấu giá nên
giảm hẳn hiện tượng cò mà hiệu quả rất cao.
Cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ tùy thân người đấu giá đất. Ảnh: Nguyễn Hải Từ khi đấu giá QSD đất chuyển sang hình thức bỏ phiếu kín gián tiếp, hiệu quả mang lại rất rõ. Không chỉ giảm hiện tượng cò mồi lộng hành, gây mất trật tự tại các phiên đấu giá đất tại các địa phương mà nguồn thu cho ngân sách tăng lên đáng kể.
Ông Bùi Thái Thọ - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp
Theo báo cáo của Sở Tài chính, đến thời điểm này, toàn tỉnh đấu giá đất đạt 1.854 tỷ đồng/kế hoạch cả năm 2.500 tỷ đồng. Các huyện như Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh… nhiều lô đất có tỷ lệ đấu giá có giá bán tăng từ 30-50% so với giá khởi điểm đã góp phần tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách.
Do đầu tư hạ tầng cơ bản và vị trí thuận lợi nên các lô đất đưa ra đấu ở xã Quỳnh Hồng có giá tăng cao gấp rưỡi đến gấp đôi giá khởi điểm. Ảnh: Nguyễn Hải
Tăng cường giám sát và minh bạch hóa
Mặc dù bước đầu công tác đấu giá theo quy định mới đã mang lại hiệu quả nhưng không phải đã hết những hạn chế, bất cập. Từ thực tế quan sát, tìm hiểu và phản ánh của người dân thì còn không ít băn khoăn, trăn trở.
Đầu tiên là năng lực của các tổ chức tham gia đấu giá đất. Hiện tại, Nghệ An có 22 doanh nghiệp đấu giá được thành lập, trong đó 1 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp và 21 doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh nhiều lĩnh vực và chỉ ít doanh nghiệp chuyên về đấu giá.
Chính vì vậy nên thời gian qua, có doanh nghiệp, công ty đấu giá đất đưa cả người chưa đủ điều kiện vào công ty và quá trình bán đấu giá đã móc nối với cò đất nhằm trục lợi. Một số đối tượng bị cơ quan điều tra bắt quả tang khiến Sở Tư pháp phải trình Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ của một số đấu giá viên, phạt 3 tổ chức đấu giá và 4 cá nhân vi phạm hoạt động đấu giá.
Do đầu tư hạ tầng cơ bản, khu đất xóm 5, xã Nghi Phú với hàng chục lô được đưa vào đấu giá sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách Thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải Bên cạnh đó, hiện nay, quy định tỷ lệ tiền đặt cọc cho mỗi lô đất là khá nhiều (không quá 20% giá khởi điểm lô đất) nhưng quy định về nhận tiền đặt cọc đấu giá QSD đất chưa rõ ràng. Một số địa phương ủy quyền cho tổ chức đấu giá đất đứng ra nhận nhưng một số địa phương lại giao cho ngân hàng nhận. Điều này gây ra không ít lo lắng.
Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu chia sẻ: Có đợt, huyện tổ chức đấu hàng trăm lô đất, bình quân mỗi lô từ 1-1,5 tỷ đồng nên số tiền cọc rất lớn, nếu tổ chức đấu giá có uy tín nhận tiền cọc thì yên tâm và ngược lại. Vì thế, cần có quy định giao cho ngân hàng trên địa bàn thu tiền cọc, khi đến đấu giá, người dân trình giấy và nếu không trúng thì xác nhận để người dân ra nhận lại tiền cọc thuận lợi, nhanh chóng nhất...