Cách đây 4 năm, sau khi được đi tham quan các mô hình, chị Trần Thị Nga ở xóm Phú Lộc, xã Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn) đã quyết định trồng bơ Boothvà bơ sáp xen canh với cây na. Đến nay, hơn 100 cây bơ Booth và bơ sáp của gia đình chị đã phát triển nhanh và cho năng suất cao. 

Chị Nga cho biết: “Giống bơ Booth và bơ sáp không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, thế nên tôi quyết định trồng xen canh cây na. Bắt đầu từ cuối năm thứ 2 đến năm thứ 3 đã là thu hoạch cho trái to và đều”.

bna_b1368606_1592020.jpgGiống bơ Booth và bơ sáp không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Thái

Chị Nga chia sẻ thêm: “Muốn phát triển cây bơ trước hết phải lựa chọn đất trồng và giống bơ phù hợp, cây bơ thích nghi với nhiều loại đất trồng khác nhau, nhưng thích hợp nhất vẫn là loại đất đỏ. Nơi trồng bơ phải là nơi có thể thoát nước; Trồng cây cấy ghép sẽ sinh trưởng tốt, chống chịu được sâu bệnh tốt và mang lại năng suất cao.

Khi cây đã định hình và vào giai đoạn thu hoạch, cần thường xuyên cắt bỏ cành yếu, cành có dấu hiệu sâu bệnh. Những cành nhỏ nhưng mang nhiều trái, cần phải có biện pháp chống đỡ vì cành bơ giòn, dễ gãy đổ.”

Trong phát triển nông nghiệp, xã Nghĩa Phú đã quy hoạch hơn 17 ha đất tập trung trồng cây ăn quả, trong đó có cây bơ. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã nhân rộng được gần 8 ha, được các hộ nông dân chú trọng mở rộng diện tích và chủ yếu là trồng xen trong cây ăn quả như na, ổi … tập trung ở xác xóm trung tâm như: Phú Lộc và Phú Hòa.

Ông Hồ Hữu Hoài - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết: “Địa phương xác định đây không chỉ là mô hình giúp người trồng thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập trên cùng một diện tích, mà còn mở ra triển vọng làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Hiện nay, địa phương đang nhân rộng mô hình này nhưng không ồ ạt".

Anh Hoài giới thiệu về quy trình chăm sóc giống bơ. Ảnh: Minh Thái

Anh Hoàng Thanh Hoài ở làng Chong, xã Nghĩa Yên trồng gần 100 gốc bơ các loại, trong đó có 30 cây cho thu hoạch năm thứ 3, với thời giá như hiện nay, anh thu nhập thêm gần 20 triệu đồng. Theo anh Hoài, cây bơ ít sâu bệnh nên phần lớn quả bơ trên đất Nghĩa Yên được trồng theo phương pháp tự nhiên bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho nông dân, tạo ra sản phẩm bơ sạch có giá trị kinh tế cao.

Với chất đất cũng như lựa chọn giống nên quả bơ ở đây đều, bóng, ruột có màu vàng, ăn dẻo, thơm nên người tiêu dùng rất ưa thích.

So với cùng vụ mùa năm ngoái, thời điểm này giá bơ đã cao hơn từ 10 – 20%. Tính ra mỗi ha người nông dân sau khi trừ chi phí cho lãi 120 - 150 triệu đồng.

Với chất đất cũng như lựa chọn giống nên quả bơ ở đây đều, bóng, ruột có màu vàng, ăn dẻo, thơm nên người tiêu dùng rất ưa thích. Ảnh: Minh Thái

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Mô hình trồng bơ đang phát triển khá mạnh, chủ yếu là trồng xen trong cây ổi, na và vườn tạp. Đây là hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao, là cây mở ra triển vọng làm giàu mới cho người nông dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn.