Dấu chân Đội Cung trên đất Rạng - Lường
(Baonghean.vn) - Đã 80 năm trôi qua (13/1/1941 - 13/1/2021), ý nghĩa cuộc khởi nghĩa Đô Lương do Đội Cung lãnh đạo vẫn còn vẹn nguyên. Trên vùng đất Thanh Chương và Đô Lương, nhiều dấu tích xưa nơi Đội Cung từng đóng quân và tập hợp binh sỹ vẫn còn đó như gợi nhớ về một mốc son lịch sử của dân tộc Việt Nam.
13/01/2021 - 18:19
Đội Cung tên thật là Nguyễn Văn Cung. Năm 1926, ông bị bắt đi lính khố xanh, đóng ở đồn Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1930-1931, để đàn áp cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh đang lan tràn khắp nơi, đơn vị Đội Cung được điều từ Thanh Hóa về đóng ở đồn Kim Nhan, huyện Anh Sơn. Ảnh: Ngọc Phương Ngày 8/1/1941, Đội Cung được cân nhắc làm đội trưởng thay cho viên đồn trưởng người Pháp là Alôngdô, đóng ở Đồn Rạng thuộc địa phận huyện Thanh Chương. Vùng đất đồn Rạng xưa nằm bên bờ sông Lam, giáp 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương, nay thuộc địa bàn xóm Trường Sơn, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương. Đồn có nhiệm vụ kiểm soát cả 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương cả đường bộ và đường thủy. Ảnh: Ngọc Phương Trên vùng đất này hiện vẫn còn đình Chợ Rạng, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử, nơi đây đã in dấu chân của Đội Cung và các binh sỹ Đồn Rạng. Ảnh: Ngọc Phương Chùa Vườn xưa, nay thuộc vùng đất cơ quan Huyện ủy Đô Lương là nơi Đội Cung tập hợp binh sỹ, sau khi kéo quân từ Rạng lên Đô Lương. Một miếu nhỏ, giếng nước và bia dẫn tích được Huyện ủy Đô Lương khôi phục vào năm 2014 ngay trong khuôn viên cơ quan. Ảnh: Ngọc Phương Bia dẫn tích tại đây có ghi: “Vào hồi 1 giờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 1941, ông Đội Nguyễn Văn Cung đã chọn nơi này làm vị trí tập kết quân khởi nghĩa và đến 6 giờ sáng cùng ngày đã phát lệnh đánh chiếm nhà dây thép, đồn lính khố xanh tại khu vực ngã tư thị trấn Đô Lương”. Ảnh: Ngọc Phương Giếng Đồn Đô Lương hiện nay vẫn tồn tại, nằm trong khu dân cư thuộc khối 3, thị trấn Đô Lương. Thời trước, giếng là nơi binh lính sử dụng để sinh hoạt. Ảnh: Ngọc Phương Cột cờ đồn Đô Lương nằm giữa 2 bờ tường nhà ông Vũ Đình Mộc và Nguyễn Văn Nghị ở khối 3, thị trấn Đô Lương. Trải qua 80 năm, cột cờ bằng thép đã hoen rỉ. Ảnh: Ngọc Phương Cách cột cờ vài trăm mét, là gốc cây đa cổ thụ - nơi tập hợp binh sỹ khi đánh đồn Đô Lương. Cây đa và ngôi miếu thờ hiện nằm trong khuôn viên chợ Trung tâm thương mại Đô Lương. Ảnh: Ngọc Phương Tượng đài Khởi nghĩa Đô Lương tại ngã 3 Bưu điện ở thị trấn Đô Lương. Khởi nghĩa Đô Lương còn được gọi với các tên khác như: Binh biến Rạng Lường, Binh biến Đô Lương. Mặc dù thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần yêu nước của các chiến sỹ cách mạng, không chịu làm nô lệ, khổ sai, vùng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa là tiếng chuông báo động cho các cuộc khởi nghĩa sau này đi đến thắng lợi. Cứ đến ngày 13/1 hàng năm, Đảng bộ và chính quyền Đô Lương lại tổ chức nghi lễ trọng thể nhằm ôn lại truyền thống vùng lên nổi dậy của các binh sĩ và các chiến sĩ cách mạng. Chính máu đào của các binh sĩ và chiến sĩ cách mạng đã tô thắm thêm màu cờ của Tổ quốc, nét son hồng trong trang sử vàng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, vùng đất mà Đội Cung làm nên cuộc khởi nghĩa đã đổi thay và phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Ngọc Phương