(Baonghean) - Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên vùng đất Hoa Quân, nay là xã Thanh Hương (Thanh Chương) là sự quyến rũ của cảnh sắc một miền trung du với ngút ngàn đồi núi xanh tươi, dòng sông uốn lượn và làng mạc trù phú. Ngay trong tên gọi xưa đã gợi lên bao nét đẹp, và quá khứ xưa chính là nền móng để hậu thế dựng xây cuộc sống hôm nay.
Hẳn ai đã một lần ngược dòng sông Giăng lên bản Cò Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông), đều được nghe bà con người Đan Lai cư trú ở đây kể về gốc tích của mình. Đại ý rằng, họ là người Kinh, người miền xuôi, mấy trăm năm trước, tổ tiên họ sinh sống ở vùng núi rừng Hoa Quân (Thanh Chương), sống bằng nghề trồng ngô và săn bắn, thường xuyên bị quan quân triều đình đến quấy rầy. Một lần, không chịu nổi áp bức, họ đã dũng cảm chống lại và bị truy đuổi vào rừng sâu.
Hành trình trốn chạy của tộc người Đan Lai ngược theo dòng sông Giăng, lên vùng thượng nguồn, sát với biên giới Việt - Lào tìm nơi mai danh, ẩn tích. Từ đó, họ trở thành cư dân sống giữa vùng lõi đại ngàn Pù Mát, trong tâm thức lòng vẫn luôn hướng về miền quê Hoa Quân, nơi tổ tiên từng gắn bó.
Với chúng tôi, từ câu chuyện lưu truyền đầy chất bi thương của tộc người Đan Lai, từ lâu ấp ủ dự định có dịp tìm về mảnh đất Hoa Quân mong biết được phần nào mạch nguồn của vùng đất có tên gọi đầy ý vị này. Thực ra, hồi còn là sinh viên đại học, đã một vài lần theo bạn về quê Thanh Hương, nhưng mục đích của tôi lúc ấy chỉ là thỏa mãn thú vui được thăm thú, ngó nghiêng về một miền quê vùng trung du, chưa hề biết đã có một mảnh đất mà tên gọi của nó gắn với những giai đoạn bi thương của một tộc người. Còn nhớ, ngày ấy mỗi lần về xã Thanh Hương là được thưởng thức món gà đồi, trám nếp, bơi lội giữa dòng sông Trai. Và điều đó cũng khiến lũ trẻ trai thỏa thích tưởng như không gì bằng.
Lần này, tôi lại về đất Hoa Quân, bạn bè thuở nào giờ đã “tung cánh muôn phương”, kẻ ra Bắc, người vào Nam tìm kế sinh nhai. Ghé thăm bố mẹ của cậu bạn thân nhất thời đại học, giờ cậu ấy đã làm thầy giáo dạy Văn và ổn định cuộc sống ở tận Tây Nguyên. Năm tháng cho con người ta thêm tuổi tác, song thân của bạn tôi cũng già đi nhiều, nhưng ông bà vẫn nhận ra tôi và nhắc về những kỷ niệm năm nào. Đặc biệt, năm nay đã trên 70 tuổi, nhưng người bố còn nhớ rất nhiều những sự kiện diễn ra trên quê hương, và nhớ cả những câu chuyện đời xưa truyền lại. Và, chúng tôi đã gặp may khi tình cờ về đây được gặp gỡ một nguồn “tư liệu sống”.
Theo lời của bố người bạn, xã Hoa Quân xưa thuộc tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, sau mấy lần tách rồi nhập, nhập rồi tách đến nay có tên gọi Thanh Hương. Đây là một vùng đất cổ, hiện hữu trong cả những địa danh là tên núi, tên sông và cả tên làng: Rọng Trai, Rọng Sắn, rú Đại Can, rú Sừng Bò, hòn Nhôn, Eo Tréo, Rào Lang, Rào Mạn Tác, Vực Su, Hói Tép, Hói Thuồng Luồng... Có lẽ, đây là một nguồn dữ liệu quan trọng để các nhà Việt ngữ học nghiên cứu về lịch sử ngữ âm, từ đó xác định lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất.
Về sau, nhận thấy Hoa Quân là vùng đất đai rộng lớn, bát ngát núi rừng, thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống, cư dân các xã vùng ven sông Lam tìm đến cư trú, cùng người dân bản địa hợp sức khai phá đất đai, xây dựng xóm làng, quê hương trù phú và đậm nét văn hiến. Thế kỷ XVIII, Hoa Quân là một trong những địa bàn chiến lược được Lê Duy Mật chọn làm căn cứ đóng quân, đêm ngày luyện tập để chống lại chúa Trịnh, hướng tới mục tiêu khôi phục triều Lê. Thế kỷ sau đó, khi phong trào Cần Vương phát triển rộng khắp, vị chủ tướng Phan Đình Phùng đã cho người về đây tuyển quân để đánh Pháp. Hàng chục, hàng trăm người con đã gia nhập nghĩa quân.
Xưa kia, làng quê Hoa Quân có nhiều công trình kiến trúc tâm linh, chủ yếu là đền, chùa, đình, miếu. Trong đó, chùa Am là công trình cổ kính nhất, nơi đây từng vẳng lên tiếng chuông vào mỗi giờ thỉnh kinh, cũng là chốn hành hương của người dân trong vùng vào ngày Rằm và lễ, Tết. Bên cạnh là đền Phủ Nhơm với lịch sử gần 1.000 năm, đứng uy nghi bên dòng sông Trai hiền hòa, cũng là chốn linh thiêng để người dân gửi gắm tâm linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Dòng chảy của thời gian và sự thăng trầm của thời cuộc đã khiến ngôi đền cổ xuống cấp và hư hại, những sắc phong và đồ tế khí có từ thời xưa bị thất lạc, nay vẫn chưa thể tìm lại. Về sau, người dân Thanh Hương đã phục dựng đền Phủ Nhơm trên nền đất cũ nhưng quy mô nhỏ hơn nhiều lần, mong làm nơi gửi gắm tâm linh và chỗ dựa tinh thần để yên tâm làm ăn và sinh sống. Bà con đang ước một ngày không xa, ngôi đền sẽ được trùng tu, nâng cấp, đứng uy nghi và trầm mặc bên dòng sông Trai, làm “điểm nhấn” cho một miền quê văn hiến.
Cùng với đền Phủ Nhơm, đền Hàm Rồng cũng là một công trình tâm linh bề thế trên vùng đất Hoa Quân. Đền được dựng cạnh vách núi cao, nơi có mỏm đá khổng lồ nhô ra phía sông Trai trông như hàm rồng. Ngôi đền được dựng vào thời nhà Trần, thờ vị thần núi Cao Sơn, Cao Các, hàng năm vào dịp Xuân mới, người dân trong vùng nô nức tổ chức lễ hội, ấn tượng nhất là lễ rước kiệu khắp các làng với dòng người kéo dài cả cây số.
Trong kháng chiến chống Pháp, đền Hàm Rồng được Liên khu 4 chọn làm điểm sản xuất quân khí, phục vụ nhu cầu của các chiến trường. Và không hiểu vì lý do gì, một vụ nổ xảy ra khiến ngôi đền hư hại, 7 chiến sỹ quân giới hy sinh. Mới đây, ngôi đền đã được bà con phục dựng trên mỏm đá có hình hàm rồng, dưới tán cây sanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Bên cạnh đó, Hoa Quân xưa còn có một số ngôi đền quy mô nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần linh thiêng, mang đậm nét cổ kính là đền Hòn Trúc, đền Hòn Đền và đền Rú Lôông.
Một công trình nữa cũng mang đậm dấu ấn văn hóa làng xã là đình Hoa Quân, nằm ở vị trí trung tâm, là nơi diễn ra những việc quan trọng của làng như tế lễ, họp bàn việc làng, việc nước, tổ chức lễ hội với các trò chơi dân gian hấp dẫn. Quy mô của đình khá hoành tráng với 3 tòa nhà: thượng - trung - hạ, mỗi tòa có một chức năng khác nhau. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, đình Hoa Quân là nơi diễn ra việc bàn giao chính triện đồng, sổ sách, tài liệu của chế độ thực dân - phong kiến cho chính quyền cách mạng (25/8/1945). Đây cũng là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương (1949) và Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 (1951). Trải qua 2 cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, ngôi đình bị xuống cấp rồi thất lạc hàng chục năm, nay mới tìm lại được cấu kiện của đình hạ và phục dựng bước đầu.
Sau cuộc chuyện trò có phần say sưa, ông bố của anh bạn dẫn chúng tôi đi quanh các xóm để cảm nhận về sự đổi thay của cuộc sống vùng đất Hoa Quân xưa, Thanh Hương nay. Dọc các tuyến đường đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng, đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn đã giúp người dân Thanh Hương phá thế núi rừng vây bủa, mở rộng sự giao lưu trên tất cả mọi mặt, đời sống kinh tế - xã hội cũng được nâng lên. Trường học, chợ và trạm y tế đã được xây dựng khang trang và đều mang tên Hoa Quân như để nhắc nhớ về truyền thống, về dòng chảy lịch sử của quê hương.
Đến Thanh Hương như được đắm mình giữa bạt ngàn rừng keo, mướt mát nương ngô, mênh mông đồi chè, nét quyến rũ của khóm cọ và đàn bò thong dong gặm cỏ bên sườn đồi điểm tô cho cảnh sắc miền trung du. Đặc biệt, từ bao đời nay, người dân Thanh Hương đã phát huy lợi thế đất rừng để trồng cây chè nguyên liệu, hiện toàn xã có hơn 140 ha chè, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 - 20 lứa, mang lại nguồn thu không nhỏ cho mỗi gia đình. Cây chè, cây keo, cây lúa, cây ngô và các loại rau màu khác đã giúp bà con nông dân Thanh Hương ổn định cuộc sống, một số hộ đã vươn lên khá và giàu.
Chúng tôi rời Thanh Hương khi bóng chiều đổ xuống những rừng keo, đồi chè, bà con nông dân í ới gọi nhau về sau một ngày làm việc, gương mặt nào cũng lấp lánh niềm vui. Làng quê hồn hậu, tình người mộc mạc nhưng rất đỗi chân tình và cảnh sắc miền trung du đã làm bước chân thêm lưu luyến...
Công Kiên