(Baonghean.vn) - Trong trang trại rộng 30ha của ông Pay Cả Nam trồng nhiều loài cây lấy gỗ khác nhau,  trong đó có 7.000 gốc săng lẻ được ông khoanh nuôi bảo vệ.

images1964405_bna_597dc5eb4f152.jpgMột góc rừng săng lẻ của ông Pay Cả Nam. Săng lẻ là loài cây ưa mọc tập trung nhưng trước sự tàn phá của người bản địa, những khoảng rừng săng lẻ mọc tập trung đang dần trở nên hiêm hoi. Ảnh: Hữu Vi

Trang trại của ông Pay Cả Nam nằm ở thượng nguồn một con suối nhỏ cách bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (Tương Dương) chừng nửa giờ lội rừng. Cơn lũ cuốn phăng mất chiếc cầu gỗ và nước suối chảy xiết nên chúng tôi phải đi tắt đồi để vào nơi người đàn ông 53 tuổi "đóng đô” suốt 20 năm nay.

Năm 1997, ông Pay Cả Nam vác dao vào vùng rừng núi có tên Huồi Khung làm rẫy. Ban đầu ông cũng chỉ định phá nương làng rẫy lúa nhưng rồi thấy cánh rừng săng lẻ rộng chừng 3ha ngay cạnh nơi đặt lán trại, ông nảy ra ý định khoanh nuôi bảo vệ, như cách nói của ông là để “làm kỷ niệm”. Từ hơn 20 năm nay ông Nam không động đến một cây săng lẻ nào.

Từ 20 năm nay, ông Pay Cả Nam bảo vệ những cây săng lẻ trong khu trang trại của mình như một sở thích. “Mục đích của ta chỉ để làm kỷ niệm” - ông Nam nói. Ảnh: Đào Thọ

Trong suốt 20 năm lao dộng miệt mài, một tay ông khai khẩn được 30ha vườn rừng. Trong khu trang trại, ông trồng hơn 1 vạn cây keo đã cho thu hoạch lứa đầu bán được hơn 120 triệu. Ông đầu tư 52 triệu để mở đường vào trang trại. “Bây giờ xe có thể vào gần trang trại của ta rồi. Không sợ bị ép giá nữa” - ông thở phào nhẹ nhõm. Bị tư thương ép giá là nỗi ám ảnh của ông Nam và những người trồng rừng vùng cao. Ông "chống" lại điều mà ông cho là bất công này bằng cách chỉ bán gỗ rừng khi đã mở được đường vào rẫy.

Ngoài cây keo, ông Nam còn trồng hơn 6.000 cây lát và 3.000 gốc xoan. Tất cả đều đã đến kỳ thu hoạch nhưng ông chưa bán. “Đợi khi hoàn thành con đường thì tôi sẽ bán một lượt luôn, chứ không bán lẻ tẻ một vài xe tải” - ông Nam nói thêm.

Khu rừng ông Nam khoanh nuôi bảo vệ phát triển rất tốt. Ảnh: Hữu Vi

Là một người thích trồng cây nên việc chăn nuôi chỉ là để cải thiện bữa ăn, dẫu vậy thì ông cũng có một ao cá và và vật nuôi như trâu, gà, lợn, dê. Rau trên rừng, ngoài vườn, gạo thì có lúa rẫy, thịt cá cũng tự nuôi lấy, có thể nói cuộc sống của ông Pay Cả Nam đều tự túc, tự cấp trên một lãnh địa nhỏ.

Nói về cánh rừng săng lẻ, ông Nam cho biết ban đầu thấy rừng cây mọc tự nhiên ngay hàng thẳng lối nên đã có ý định sẽ biến nó thành “cây nhà trồng” nên ông tỉa bớt những cây nhỏ, yếu để tạo đà cho các cây khác vươn lên. Ông bứng cây nhỏ trồng vào các khoảng trống. Cứ vậy hàng chục năm liền, ông Nam đã cải tạo cánh rừng hoang thành một khu vườn mà các hàng cây hoang trở nên có nề nếp, hàng lối.

Ông Nam cho biết, cảm thấy rất thoải mái khi sống trong “lãnh địa” rộng lớn và ngát một màu xanh của mình. Ông có ý định gắn bó cả đời với nơi đây. Ảnh: Đào Thọ

Gỗ săng lẻ được người dân địa phương cũng như các đầu nậu thu mua săn lùng trong nhiều năm qua. Nhưng 20 năm nay, những cây săng lẻ được ông Nam bảo vệ vẫn rất an toàn. “Người ta cũng không dám vào chặt vì phía ngoài ta trồng xoan, lát, kéo. Đây là rừng của ta rồi mà” - ông Nam nói.

Ông Nam cho biết đã có người trong địa phương tìm đến trả giá 3 tỷ đồng cho cả khu trang trại nhưng ông nhất quyết từ chối. “Cho dù có gấp 10 lần số tiền ấy ta cũng không bán. Ta đã có ý định sẽ sống hết đời mình ở trang trại này. Ta thấy thoải mái nhất khi sống trong khu rừng do chính tay mình tạo ra” - lão nông người Thái không giấu vẻ tự hào.

Ông Nam bấm ngón tay cho biết: "Nếu đếm ngày tháng ra thì trong 20 năm qua ta có 19 năm ở rừng. Chỉ một năm là ở nhà với con cháu"./.

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN