Đến nhà văn hóa xóm Bắc Hồng đúng lúc bà con lương giáo đang quây quần cùng nhau liên hoan bên chén trà, đĩa kẹo nhân dịp xóm hoàn thành nâng cấp nhà văn hóa. Đây là công trình xây nên bằng tình đoàn kết đồng lòng của bà con ở đây. Với gần 1.300 khẩu, bà con đã đóng góp mỗi khẩu 80 nghìn đồng, rồi chính quyền xã hỗ trợ thêm nên Bắc Hồng đã có được nhà văn hóa khang trang, đầy đủ trang thiết bị với tổng kinh phí 280 triệu đồng.
Nói về sự đoàn kết ở đây, bà Hoàng Thị Ngọc – một giáo dân cho biết: “Trong họ cũng như ngoài họ, lương cũng như giáo luôn đoàn kết một lòng, động viên nhau làm tốt công việc làng xóm. Một minh chứng hết sức thuyết phục là khi bà con giáo dân xây dựng nhà thờ. Kinh phí hạn hẹp nên suốt 4 năm trời, bà con lương dân đã ủng hộ hàng trăm ngày công xây dựng nên nhà thờ khang trang, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền công xây dựng”.
Xóm Bắc Hồng, xã Diễn Hồng có 267 hộ, trong đó một nửa theo đạo Thiên chúa thuộc giáo họ Đông Khê. Để xây nên tình đoàn kết, yêu thương trong đồng bào giáo lương nơi đây là một câu chuyện dài, là minh chứng thuyết phục của sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền Diễn Hồng cũng như ban cán sự xóm và ban hành giáo nơi đây. Do sống xen kẽ với nhau nên các sinh hoạt tôn giáo có lúc cũng ảnh hưởng đến bà con lương dân. Tuy không xảy ra điểm nóng hay mất an ninh trật tự nhưng cũng có thời điểm âm ỉ, chia rẽ.
Sớm nhận rõ điều này, cấp ủy chính quyền Diễn Hồng đã đẩy mạnh công tác dân vận. Không chỉ xây dựng những mô hình dân vận mà trực tiếp các đồng chí lãnh đạo xã đã về phụ trách, vận động củng cố hệ thống chính trị tại đây. Theo đó chi bộ Đảng được kiện toàn với 12 đảng viên. Ban cán sự xóm hài hòa giữa giáo và lương, trưởng Ban hành giáo giữ chức vụ xóm trưởng. Ban hành giáo luôn có sự liên kết để giải quyết ổn thỏa, công bằng mọi quyền lợi cũng như nghĩa vụ của bà con lương cũng như giáo.
Mang theo niềm vui đoàn kết của Bắc Hồng, chúng tôi đến với xóm giáo toàn tòng Hoa Thành. Cảm nhận về sự giàu có, trù phú từ chính không khí lao động của bà con nhân dân nơi đây. Tuy địa bàn bám Quốc lộ 1A nhưng trước đây bà con chỉ biết sản xuất nông nghiệp thuần túy như lạc, ngô, rau màu. Nhận thấy đất đai chưa được phát huy tiềm năng nên xã Diễn Hồng có chủ trương phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Mới đầu bà con còn e ngại do tiềm lực có hạn, sợ mất đất sản xuất.
Tuy nhiên các đồng chí lãnh đạo xã, xóm cùng vào cuộc tuyên truyền, giải thích để bà con chuyển đổi đất xây dựng cụm công nghiệp, đưa 2 đảng viên là Bí thư đoàn và Chủ tịch CCB về tăng cường, sinh hoạt tại chi bộ. Xã tăng cường thu hút đầu tư, liên kết tín chấp để bà con có điều kiện sản xuất. Nhờ vậy 40 gia đình của Hoa Thành hiện nay đã xây dựng xưởng sản xuất thép, tôn lợp, hạt nhựa, buôn bán ô tô, hàng điện tử, hơn 100 lao động của xóm đi xuất khẩu.
Từ chỗ phát triển kinh tế nông nghiệp thuần túy, thu nhập thấp, nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi ngành nghề, đời sống của bà con nhân dân Hoa Thành không ngừng được nâng cao. Hiện nay thu nhập của bà con đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Lao động sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 30%. Đời sống kinh tế khởi sắc nên không phải vận động nhiều, bà con đã đầu tư cho xây dựng NTM. Những con đường bê tông rộng, dài bao quanh thôn xóm trù phú, niềm vui, niềm tự hào thể hiện trên từng gương mặt của người dân nơi đây.
Diễn Hồng nằm ở phía bắc huyện Diễn Châu, dân số hiện nay là trên 11.600 nhân khẩu, trong đó số dân theo đạo công giáo là hơn 4.800 người, chiếm hơn 41% dân số. Toàn xã có 9 xóm, trong đó 6 xóm có đồng bào theo đạo thuộc xứ Đông Tháp. Có thời điểm, bà con lương giáo Diễn Hồng cũng xảy ra một số mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết.
Với quan điểm có ổn định, đoàn kết được lương giáo thì mới phát triển nên công tác dân vận được đẩy mạnh. Không chỉ là các tổ chức đoàn thể vào cuộc với các mô hình hay mà cán bộ chủ chốt cùng vào cuộc cùng làm dân vận chính quyền. Đảng ủy xã chú trọng phát triển đảng viên, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào công giáo.
Cả 6 xóm có đồng bào theo đạo đều thành lập được chi bộ đảng, trong đó có 17 đảng viên gốc giáo. Ngoài ra, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương thường xuyên tiếp xúc với các chức sắc, chức việc và giáo dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết khó khăn cho bà con. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào có đạo để tạo sự gắn bó mật thiết. Chú trọng phát huy những điểm tương đồng giữa các nội dung của giáo lý với quy định của pháp luật.... Giáo cũng như lương, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các công trình phúc lợi, tạo công ăn việc làm, vay vốn xóa đói giảm nghèo đều được chính quyền quan tâm thực hiện một cách công bằng.
Nhờ đó, trong những năm qua, Diễn Hồng luôn là điểm sáng về đoàn kết lương giáo của Diễn Châu. Tỷ lệ gia đình văn hóa của bà con giáo dân chiếm tới 83%, 4/6 xóm có đồng bào theo đạo đạt xóm văn hóa. Trong xây dựng NTM, bà con giáo dân Diễn Hồng đã đầu tư gần 20 tỷ đồng làm đường bê tông nông thôn và đường nội đồng, hiến tới hàng trăm ha đất cho xây dựng những công trình phúc lợi…, góp phần quan trọng để Diễn Hồng về đích NTM vào tốp đầu của huyện vào cuối năm 2014. Thu nhập của bà con giáo dân Diễn Hồng đạt tới 45 triệu đồng/người/năm. Tình hình chính trị, an ninh trật tự ổn định, không xảy ra các vụ việc phức tạp về tôn giáo.
Bà Võ Thị Hương - Bí thư chi bộ Hoa Thành: "Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào có đạo đến từng gia đình giải thích, vận động. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và lồng ghép tuyên truyền trong các buổi giảng lễ ở các nhà thờ để bà con giáo dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, chủ trương phát triển kinh tế cũng như xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước. Từ đó dân chủ bàn bạc, tham gia ý kiến và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, nguồn lực cho phát triển xóm làng".
Ông Kiều Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã, Phó Ban Dân vận chính quyền xã Diễn Hồng: "Để đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác dân vận chính quyền, xã đã tiến hành rà soát, kiện toàn lại Ban chỉ đạo triển khai công tác dân vận chính quyền. Việc đầu tiên phải quan tâm là cần chú ý đến công tác cán bộ. Sâu sát cơ sở là nhiệm vụ đầu tiên của người cán bộ. Với phương châm “hướng về cơ sở”, công tác dân vận ở vùng đồng bào theo đạo được triển khai đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, phong tục tập quán, trực tiếp giúp bà con phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với quốc phòng an ninh".