Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đe dọa đóng cửa 2 căn cứ quân sự chiến lược mà Mỹ và NATO đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một lần nữa, trò “ú tim chiến lược” lại được chính quyền Ankara tung ra để tìm kiếm những lợi ích từ các đối tác và cả đồng minh!
CÓ ĐI CÓ LẠI
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan mang chuyện đóng cửa căn cứ quân sự để đe dọa đồng minh Mỹ. Trong nhiều lần quan hệ hai bên căng thẳng, Ankara cũng đã dùng “tuyệt chiêu” này để gây sức ép với đồng minh Washington.
Hơn ai hết, Ankara hiểu rõ rằng, nước này đang nắm trong tay những con bài chiến lược của Mỹ và NATO. Cần nhắc lại, Incirlik và Kurecik là 2 căn cứ quân sự tối quan trọng gần biên giới với Syria mà Mỹ đặt nhiều mục tiêu chiến lược.
Với căn cứ Incirlik, không quân Mỹ vốn sử dụng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lại Syria. Cơ sở này còn được cho là một trong những căn cứ tận dụng làm kho chứa các đầu đạn hạt nhân của Mỹ ở châu Âu. Trong khi đó, căn cứ Kurecik vốn là địa điểm đặt một trong những trạm radar chính của khối NATO.
Lần này cũng vậy, cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra nhằm đáp trả các nghị sỹ tại Thượng viện Mỹ mới đây đã ủng hộ một dự luật cho phép áp dụng đòn trừng phạt với Ankara, do nước này mua hệ thống phòng không S-400 của Nga; cũng như chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Chưa hết, Thượng viện Mỹ mới đây còn thông qua nghị quyết công nhận vụ thảm sát người Armenia của đế chế Ottoman là “hành động diệt chủng”.
Dư luận hẳn chưa quên, quan hệ giữa 2 đồng minh Mỹ - Thổ vốn trắc trở đã dậy sóng hồi tháng 10 khi Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương thực hiện chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria mà không nhận được cái gật đầu của Mỹ và NATO.
“Gai mắt” là một chuyện, còn Mỹ có trừng phạt được Thổ Nhĩ Kỳ cho xứng đáng hay không lại là chuyện khác
Thêm vào đó, với tổ hợp phòng không S-400, Mỹ vốn đã vô cùng “chướng mắt” với Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng thời khẳng định, đây là mối đe dọa với chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Hoa Kỳ. Rõ ràng, cái bắt tay thân thiết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã khiến Mỹ không thể nương tay với loạt biện pháp trừng phạt bóp nghẹt nền kinh tế nước này.
Nhưng “gai mắt” là một chuyện, còn có trừng phạt được Thổ Nhĩ Kỳ cho xứng đáng hay không lại là chuyện khác. Hiểu rõ được những thế mạnh của quốc gia mình như: vị trí địa chiến lược, là thành viên có lực lượng vũ trang lớn thứ 2 NATO…, Tổng thống Erdogan thời gian qua đã quá nổi tiếng với những chiến lược “mèo vờn chuột” khiến các đồng minh, kể cả Mỹ phải đau đầu!
CHIẾN THUẬT NƯỚC ĐÔI
Nhìn lại thời gian gần đây, chính quyền Ankara đã công khai bắt tay với nhiều đối thủ của Mỹ như: Nga, Iran, Venezuela… Song song với đó là chiến thuật tạo sức ép và mặc cả các lợi ích chiến lược với các đồng minh. Trong động thái mới nhất, một mặt, Ankara dọa đóng cửa 2 căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ, nhưng mặt khác lại vừa mở lời “sẵn sàng mua hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất và đang chờ phản hồi của Washington”.
Bất chấp cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt”, chính quyền Ankara đến nay vẫn kiên định kế hoạch mua S-400 của Nga.
Dư luận hẳn còn nhớ, xuất phát điểm là việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm mọi cách để mua hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot cho riêng mình nhưng vấp phải phản đối của cả Mỹ và NATO.
Bực bội với các đồng minh, Ankara quay sang tìm kiếm thương vụ S-400 với đối tác mới là Nga. Lo lắng đồng minh “ngả” sang Moskva, Washington sau đó đã tìm mọi cách lôi kéo Ankara, sẵn sàng cung cấp phiên bản Patriot mới nhất - đổi lại việc nước này phải từ bỏ hệ thống S-400. Thế nhưng, bất chấp cả “cây gậy” lẫn “củ cà rốt”, chính quyền Ankara đến nay vẫn kiên định kế hoạch mua S-400 của Nga. Bởi thế, dư luận thắc mắc rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gì khi bất ngờ “đá quả bóng” Patriot sang sân của Mỹ.
Thực tế với Thổ Nhĩ Kỳ lúc này, việc mua cả S-400 của Nga lẫn Patriot của Mỹ chẳng hề thừa thãi! Trong bối cảnh Ankara chưa hề muốn dừng chiến lược quân sự tại khu vực, đặc biệt tại Syria thì năng lực phòng thủ được nâng cấp là điều nước này luôn cần thiết.
Nếu như S-300, S-400 là hệ thống đánh chặn mạnh nhất hiện nay của Nga thì hệ thống PAC-3MSE, phiên bản mạnh nhất của hệ thống Patriot đã vượt xa so với các phiên bản trước và tiệm cận với khả năng của S-400.
Bởi thế, thực tế lại rất logic khi Ankara một lần nữa “ngỏ lời” mua Patriot với Mỹ ngay sau khi ra lời đe dọa về việc đóng cửa 2 căn cứ quân sự chiến lược mà nước này đang nắm trong tay.
Rõ ràng, đây là mũi tên trúng 2 đích, khi vừa gây sức ép để Mỹ giảm bớt hoặc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đang áp đặt vào nước này, vừa khiến Mỹ phải cân nhắc việc bán hệ thống Patriot cho Ankara.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc hẳn không lạ gì đồng minh nhiều toan tính là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Thế nhưng, bản thân ông Trump đang vướng các rắc rối pháp lý trong cuộc điều tra luận tội trong nước.
Bất cứ một bước đi sai lầm nào dù nhỏ nhất cũng khiến cho hình ảnh tổng thống đi xuống trong mắt cử tri, khi cuộc bầu cử đang đến gần. Cho nên, ứng xử thế nào với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa sẽ khiến cho ông Donald Trump phải đau đầu! Trong khi đó, dù “lắm mưu nhiều kế”, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng hiểu rằng, sức ép và cảnh báo luôn có giới hạn không thể vượt qua.
Cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đều hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược giữa 2 đồng minh và khối NATO. Đó là dù trắc trở, toan tính nhưng không thể đổ vỡ! Cho đến thời điểm này, phía Mỹ vẫn chưa có câu trả lời với đề nghị mua hệ thống Patriot của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng có lẽ, chỉ cần sau một vài cuộc gặp hay điện đàm mặc cả lợi ích giữa lãnh đạo hai bên, thương vụ có thành hay bại sẽ sớm được quyết định mà thôi!