Chiều 31/7, Tỉnh ủy đã tổ chức công bố thành lập đoàn kiểm tra số 5 để kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 179-KH/TU, ngày 14/2/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời tổ chức kiểm tra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc thực hiện đề án, kế hoạch phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân.
bna__mai_hoa_41330264_3172019.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra số 5 của Tỉnh ủy. Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Thường trực và đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm phó trưởng đoàn. Ảnh: Mai Hoa

Toàn tỉnh có hơn 11.000 doanh nghiệp hoạt động 

Phát biểu tại cuộc công bố, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện các đề án, kế hoạch theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân và lao động kỹ thuật trên địa bàn tỉnh thời gian qua; trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khả thi cho thời gian tới.

Vì vậy, yêu cầu đoàn kiểm tra làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo đúng tinh thần, yêu cầu đặt ra của Tỉnh ủy.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra yêu cầu đoàn công tác làm việc nghiêm túc, trách nhiệm. Ảnh: Mai Hoa

Tiếp đó, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án, Kế hoạch phát triển, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020 theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. 

Đoàn đã ghi nhận sự vào cuộc triển khai của Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do UBND tỉnh xây dựng hàng năm. Tính từ năm 2016 - 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tổ chức 54 lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo cho gần 6.000 lượt học viên tham gia. Trong đó có 10 lớp khởi nghiệp, 22 lớp quản trị doanh nghiệp, 9 lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu và 13 hội thảo chuyên đề.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết, đối tượng tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là kế toán doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Song song với việc mở lớp theo kế hoạch của UBND tỉnh bằng nguồn ngân sách, hoạt động xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, doanh nghiệp cũng được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các hiệp hội, hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phối hợp tổ chức, tạo điều kiện, môi trường cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. 

Chưa rõ hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng
Tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 11.706 doanh nghiệp hoạt động và so với mục tiêu của Nghị quyết đại hội đưa ra đến năm 2020 là 13.000 - 15.000 doanh nghiệp, có thể đạt được. 

Tuy nhiên, vấn đề mà các thành viên đoàn kiểm tra đặt ra là hiệu quả và tác động từ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với doanh nghiệp, doanh nhân chưa rõ thông qua báo cáo. Mặt khác, đối tượng đề án hướng tới để đào tạo, bồi dưỡng là đội ngũ doanh nhân, nghĩa là chủ doanh nghiệp và đối tượng khởi nghiệp; song thực tế vẫn có các phó giám đốc doanh nghiệp và phần đa là kế toán doanh nghiệp tham gia.

Một số thành viên cũng băn khoăn về chương trình, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua chưa tác động rõ nét trong việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm hàng hóa, cũng như thương hiệu doanh nghiệp mạnh của Nghệ An. Đó còn là việc mời các chuyên gia có kiến thức thực tiễn hoạt động doanh nghiệp và có uy tín, tạo sức hút cho các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế…

Đồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn Thường trực yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá rõ hiệu quả và tác động đào tạo, bồi dưỡng đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Ảnh: Mai Hoa

Thay mặt đoàn công tác, kết luận tại cuộc kiểm tra, đồng chí Hồ Phúc Hợp - nhấn mạnh: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ doanh nghiệp không phải việc làm dễ, bởi đây là hoạt động mang tính chất tự nguyện từ doanh nghiệp, cho nên Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục trăn trở xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung đào tạo sát với nhu cầu mà doanh nghiệp đang cần.

Đồng chí Hồ Phúc Hợp cũng cho rằng, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng mà tỉnh đặt ra, đó là xây dựng đội ngũ doanh nhân Nghệ An lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có khả năng hoạch định chiến lược kinh doanh, năng động, nhạy bén, thích nghi với sự thay đổi của môi trường kinh doanh; bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân có trình độ và khả năng quản lý, điều hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Trao Chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo Giám đốc điều hành CEO khóa 12 tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Lâm Tùng

Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần soi vào các mục tiêu để đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế đặt ra, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cũng như các kiến nghị, đề xuất để doanh nghiệp Nghệ An phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Sở cũng cần đánh giá rõ mối quan hệ phối hợp giữa các trường đào tạo và các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh trong thực hiện đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới.