(Baonghean) - Công tác cán bộ là khâu then chốt trong xây dựng Đảng, quyết định sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, ngành, địa phương. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và luân chuyển cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. 

Hiệu quả từ công tác luân chuyển 
 
Châu Nga là xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu, điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở yếu kém, bất cập; một số cán bộ xã chưa đạt trình độ chuyên môn và vẫn nặng tư tưởng ỷ lại, làm việc theo kiểu “được chăng hay chớ”. Trước thực trạng đó, tháng 2/2014, huyện Quỳ Châu quyết định luân chuyển đồng chí Nguyễn Xuân Hoà, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện đoàn về đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã Châu Nga. 
image_8610945.jpgXã Nam Cát (Nam Đàn) có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đã đưa địa phương đạt chuẩn NTM năm 2014.
 
Vượt qua những khó khăn để tiếp cận địa bàn, công việc mới, đồng chí Nguyễn Văn Hòa đã cùng với tập thể tiến hành bổ sung, điều chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy và UBND xã, đồng thời tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên theo quy chế và Điều lệ Đảng. Thông qua đó đã chấn chỉnh tác phong, lề lối, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã, được nhân dân ghi nhận. Cùng với đó, tổ chức sắp xếp, kiện toàn lại một số chức danh, vị trí công tác ở xã; gắn với việc rà soát, đánh giá lại năng lực công tác của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng các đoàn thể, đồng thời thay thế những cán bộ ở các chức danh không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống chính trị được củng cố, từ đó xã tập trung chăm lo giải quyết một số vấn đề bức xúc đang đặt ra như xây dựng hệ thống thủy lợi để đảm bảo đưa nước tưới đến tất cả diện tích sản xuất lúa trên địa bàn; xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng mới và sửa chữa, đảm bảo 6/6 bản có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Bằng mối quan hệ và uy tín của mình, đồng chí Hòa đã vận động được một số nguồn hỗ trợ từ các tập thể, cá nhân để làm 5 nhà mới và sửa chữa 3 nhà ở cho hộ nghèo... Chia sẻ sau một năm rưỡi trên cương vị mới, đồng chí Hòa cho biết: “Qua thực tiễn, tôi đã từng bước trưởng thành, nhất là có thêm kiến thức trong công tác quản lý. Phong cách, phương pháp làm việc cũng thay đổi, gắn bó, gần gũi với nhân dân hơn, hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân, với cơ sở bằng những việc làm cụ thể”.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Hòa là 1 trong 7 cán bộ cấp huyện được luân chuyển về cơ sở tạo ra những nét mới, những bước đột phá quan trọng trong quản lý, điều hành, thay đổi tác phong, lề lối làm việc. Đồng chí Lang Văn Xuân, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho biết: Trên cơ sở xác đích rõ mục đích của công tác luân chuyển, huyện tiến hành đánh giá năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ để xây dựng kế hoạch luân chuyển phù hợp với điều kiện chuyên môn, khả năng đảm nhận công việc, hoàn cảnh gia đình của từng cán bộ; đặc biệt là luân chuyển cán bộ mà cơ sở thực sự cần. Quy trình luân chuyển cán bộ được thực hiện công khai dân chủ, tham khảo ý kiến tổ chức, cá nhân cần luân chuyển sau đó tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định. Nhiệm kỳ 2010-2015, Quỳ Châu cũng luân chuyển 1 đồng chí từ cơ sở lên huyện; luân chuyển 4 đồng chí chủ chốt từ xã này sang xã khác; luân chuyển nội bộ giữa các phòng, ban, đơn vị cấp huyện 20 đồng chí. Trong nội bộ các ngành y tế, giáo dục cũng thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; tăng cường bác sĩ về các xã, nhất là vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cán bộ công chức địa chính, xây dựng xã Nghi Đức - T.P Vinh trao đổi công việc.
Ở huyện Đô Lương, công tác luân chuyển cán bộ được gắn với công tác quy hoạch, đánh giá nhận xét sát với thực trạng đội ngũ và yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Theo đó, trong 5 năm qua, huyện đã thực hiện luân chuyển ngang, luân chuyển nội bộ vùng cụm xã đối với 74 công chức chuyên môn cấp xã. Huyện cũng thực hiện luân chuyển nội bộ giữa các cơ quan: Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cấp huyện với tổng số 27 người, trong đó tập trung bố trí cán bộ đã đảm nhận chức vụ cấp trưởng, cấp phó từ 5 năm trở lên, kết hợp luân chuyển ngang và luân chuyển theo địa chỉ đào tạo. Việc luân chuyển cán bộ huyện về đảm nhận các chức danh chủ chốt ở các xã, thị trấn (đối tượng thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo huyện) gồm 7 đồng chí, trong đó có xã Hồng Sơn và Mỹ Sơn được luân chuyển cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã cùng một lúc. Điều chuyển 6 cán bộ lãnh đạo chủ chốt cơ sở và công chức chuyên môn lên công tác tại các cơ quan cấp huyện. Đặc biệt, Đô Lương đã thực hiện luân chuyển ngang 6 cán bộ chủ chốt ở xã này sang đảm nhận vị trí tương đương ở xã khác, trong đó có 2 Bí thư Đảng uỷ; 2 Phó bí thư trực Đảng; 2 Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. 
 
Đồng chí Nguyễn Quốc Thủy, từ Bí thư Đảng ủy xã Đà Sơn được luân chuyển sang làm Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn từ tháng 4/2014. Công việc không mới nhưng với môi trường mới, điều kiện kinh tế - xã hội cũng khác... đồng chí Thủy đã khắc phục khó khăn, bám sát địa bàn, bám sát công việc, nắm chắc phương pháp và cách thức làm việc của đội ngũ cán bộ địa phương để vừa thích nghi, vừa điều chỉnh phù hợp. Điều quan trọng và có tác dụng lâu dài, đó là đã tạo ra mối quan hệ phối hợp công tác giữa các phòng, ban, bộ phận khăng khít, thống nhất và đồng thuận hơn. Đồng thời xây dựng được mối quan hệ hai chiều giữa Đảng ủy xã với các chi ủy thông qua hội nghị giao ban hàng tháng để Đảng ủy thông tin, chuyển tải những chủ trương của cấp ủy xuống cơ sở, qua đó, ở cơ sở cũng phản ánh những vấn đề đang đặt ra cho Đảng ủy kịp thời giải quyết. Đồng chí Nguyễn Quốc Thủy cho rằng: “Được luân chuyển, bên cạnh được học hỏi những cái mới ở địa phương thì bản thân cũng phải cố gắng nỗ lực và đổi mới để khẳng định mình, bởi dù sao ở đơn vị cũ, xung quanh đều bà con, họ hàng mình nên tư tưởng ít nhiều yên tâm, thỏa mãn”. 
 
Đồng chí Trương Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy Đô Lương, cho rằng: Luân chuyển cán bộ là một chủ trương đúng và rất cần thiết, nếu làm công tâm, khách quan và biết quan tâm, sâu sát giúp đỡ cán bộ được luân chuyển thì việc thực hiện luân chuyển dù ở loại hình nào cũng có những tác động tích cực và hiệu quả thiết thực. Thực tiễn việc luân chuyển cán bộ ở Đô Lương thời gian qua cho thấy, hầu hết cán bộ được luân chuyển đã tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc mới; phát huy được vai trò, trách nhiệm, được cán bộ và nhân dân tín nhiệm. Cán bộ luân chuyển, bố trí lại đều có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn; khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín, thực hiện tốt hơn công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ.
 
Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2010 - 2015, thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Bộ Chính trị; Nghị quyết 14- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, cấp ủy các cấp đã có 68 lượt cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý được điều động, luân chuyển từ tỉnh về huyện (28 cán bộ), từ huyện và tương đương về tỉnh (24 cán bộ), từ ngành này sang ngành khác (16 cán bộ). Khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh cũng thực hiện luân chuyển 376 lượt người từ các bộ phận trong nội bộ, từ sở, ban, ngành về cơ sở và từ ngành này sang ngành khác, từ huyện này sang huyện khác. Khối huyện, thành, thị xã luân chuyển 707 lượt người, trong đó luân chuyển nội bộ cấp huyện 413 lượt người; luân chuyển từ huyện đến xã 102 lượt cán bộ, xã lên huyện 79 lượt cán bộ và từ xã này sang xã khác là 10 cán bộ. Mặc dù số lượng cán bộ luân chuyển lớn, nhưng nhờ làm đúng quy trình, quy định, đặc biệt khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác cán bộ thông qua kiểm điểm theo tinh thần Trung ương 4 nên đã tạo sự nhất trí cao trong Đảng, hệ thống chính trị; khối đoàn kết, dân chủ trong Đảng được phát huy, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. 
 
Đổi mới công tác đào tạo cán bộ
 
Song song với công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cấp ủy các cấp trong tỉnh cũng đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xuất phát từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo có những mặt còn non kém, nhất là chỉ đạo phát triển kinh tế, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch. Cụ thể, cả xã có 8 cán bộ đi học và hoàn thành chương trình đại học, trong đó có 6 đại học nông nghiệp và 2 đại học luật; 4 cán bộ học trung cấp hành chính; 8 trung cấp chính trị. Đồng chí Vi Văn Đậu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khê, chia sẻ: Đến nay 100% đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã đều có trình độ đại học đúng chuyên môn công tác. Hiệu quả rõ nét nhất là những cán bộ phụ trách nông nghiệp sau khi tốt nghiệp đã tập trung chỉ đạo sản xuất bài bản và năng suất, hiệu quả một số cây trồng được nâng lên. Điển hình đối với cây cam, ở nhiệm kỳ trước, chỉ đạo mãi cả xã cũng chỉ có 12 ha, nhưng ở nhiệm kỳ này, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc nên toàn xã có 93 ha cam, trong đó có 25 ha cam kinh doanh (dự kiến năm 2016 có 40 ha), thu nhập lãi ròng 300 triệu đồng/ha/năm. Cùng với cây cam thì cây chè ở Yên Khê cũng đang được đầu tư thâm canh tốt hơn, góp phần nâng cao năng suất từ 80 – 120 tạ/ha lên 180 tạ/ha... Đồng chí Vi Văn Đậu cũng cho biết thêm, nếu như trước đây, các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đều mời cán bộ huyện về làm thì nay cán bộ nông nghiệp xã đều tự chủ động lên lịch để tập huấn. 
 
Cùng đó, các xã Bồng Khê, Mậu Đức, Châu Khê, Lạng Khê... cũng đều rất chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Chất, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Con Cuông cho biết: Trên cơ sở rà soát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, cấp ủy các cấp tiến hành xây dựng quy hoạch cán bộ, gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cả nhiệm kỳ 2010-2015 và từng năm. Song song với đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và cấp ủy, chi ủy các chi bộ trực thuộc đảng ủy ở vùng dân tộc thiểu số; duy trì, phối hợp với các Trường Đại học Vinh, Trường Chính trị tỉnh nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở các cơ sở thuộc vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã được nâng lên, tỷ lệ đạt chuẩn theo quy định của CBCC cấp xã là 100%. Trong đó, trình độ chuyên môn đại học trở lên có 157/311 cán bộ; trình độ trung cấp chính trị là 153/311 cán bộ. Thông qua đào tạo, năng lực công tác, phong cách làm việc của cán bộ đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn, đồng thời tạo nguồn đội ngũ cán bộ kế cận, đáp ứng được yêu cầu quy hoạch cán bộ, đề bạt cán bộ.
 
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, bám sát Nghị quyết số 08/NQ-TU, ngày 15/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giai đoạn 2011 - 2020”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 – 2020” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quy định số 4288/QĐ -TU, ngày 8/7/2013 “Về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý tỉnh Nghệ An”, cấp ủy các cấp đã cụ thể hóa thành các nghị quyết, đề án ở cấp mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng cán bộ. Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được các cấp ủy chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 9 cán bộ được đào tạo trình độ chuyên môn tiến sỹ; 293 cán bộ đào tạo thạc sỹ; 5.666 cán bộ đào tạo đại học; 2.765 cán bộ đào tạo cao đẳng, trung cấp. Tỉnh cũng đã cử 1.217 cán bộ tham gia học cao cấp chính trị; 6.591 cán bộ học trung cấp chính trị. Toàn tỉnh cũng đã mở 180 lớp với 23.090 lượt cán bộ, công chức tham gia bồi dưỡng và gần 300 cán bộ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Trung ương mở và học tập ở nước ngoài. Nhờ vậy, trình độ chuyên môn và chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên rõ rệt. Chất lượng hệ thống chính trị chuyển biến theo chiều hướng tích cực; đoàn kết nội bộ được củng cố; dân chủ cơ sở được chăm lo; cải cách hành chính, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ có nhiều tiến bộ. 
 
Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là nhân tố quyết định sự thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng cấp, từng ngành, địa phương. Xây dựng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh là điểm tựa quan trọng để nâng cao chất lượng hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu tổ chức đảng, giữ vững vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn diện. Đặc biệt, để thực hiện tốt Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An, xây dựng Nghệ An trở thành Trung tâm vùng Bắc Trung bộ và thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, đòi hỏi cần phải có sự đột phá, trong đó công tác tổ chức, cán bộ đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, công tác cán bộ cần được tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới, trong đó coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và luân chuyển cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. 
 
MAI HOA