Bài cuối: Những chiến công trở thành huyền thoại
>> Bài 1. Lửa thử vàng
Đầu năm 1946, Chu Huy Mân được điều ra Đảng uỷ Chiến khu Việt Bắc, phụ trách công tác kiểm tra Đảng, kiêm Trung đoàn trưởng, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 72, sau đó là Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 74.
Ngoài tác chiến trên địa bàn, Trung đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ, bảo vệ Bác Hồ những lần sang Trung Quốc, Liên Xô và bảo vệ các đoàn công tác của các nước bạn vượt biên giới Việt – Trung vào căn cứ địa Việt Bắc.
Lấy chiến trường để rèn luyện, thử thách, mùa hè 1947, trung đoàn tham gia mặt trận phía Tây phối hợp với lực lượng hướng Đông (do đồng chí Trần Minh Giang, đại diện Quân giải phóng Trung Quốc chỉ huy) đánh tan quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng căn cứ Hoa Nam (Trung Quốc), giải phóng Thuỷ Khẩu, Long Châu, Hà Thành, Hà Đồng. Thừa thắng Trung đoàn trưởng Chu Huy Mân đi đầu dẫn quân đánh tốc thẳng vào La Hầu, diệt và bắt gọn 1 tiểu đoàn quân Tưởng. Số còn lại phải ra hàng. Phát huy thắng lợi, đầu năm 1950, Trung đoàn 174 đã tổ chức một trận đánh lớn diệt khoảng 5000 quân Tưởng do tướng Bạch Sùng Huy chỉ huy. Ngày 16/9/1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ chủ trương mở Chiến dịch Biên giới, tiến công quân Pháp trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở đường giao lưu quốc tế, phát triển và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch. Là đơn vị chủ công, Trung đoàn 174 lập nhiều chiến công xuất sắc, được Bác Hồ khen ngợi.
Tướng Chu Huy Mân
(Tranh minh họa của họa sĩ Simon McCouaig - Mỹ).
Sau chiến dịch, Chu Huy Mân được cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên gặp Bác. Đại tướng giới thiệu Chu Huy Mân với Bác. Lần đầu được gặp Bác, Chu Huy Mân vô cùng xúc động. Nắm bàn tay ấm áp của Nguời, Chu Huy Mân bổi hổi bồi hồi nghẹn ngào đến lời chúc sức khoẻ Bác cũng không nói được! Bác cười đôn hậu rồi hỏi:
- Chú là Tự vệ đỏ năm 1930, vác gậy tre đánh Tây ở nhà thờ Bản Thổ phải không?
Bác ân cần biểu dương thành tích to lớn của Trung đoàn 174, và dặn dò những phần việc cụ thể khi về tiếp quản Lạng Sơn.
Ngày 11/2/1951, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương (lần thứ 2) được tổ chức. Đồng chí Chu Huy Mân là đại biểu chính thức của đoàn đại biểu quân đội. Trước giờ Đại hội, Bác Hồ xin phép cho hai đồng chí Chu Huy Mân và Bùi Quang Tạo đi chuẩn bị chiến đấu. Cả Đại hội vỗ tay nồng nhiệt tiễn hai đồng chí. Đó là nhiệm vụ gấp rút thành lập Sư đoàn 316. Đây là Sư đoàn chủ lực thứ 4 của quân đội ta. Đồng chí Chu Huy Mân được bổ nhiệm là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn. Sự ra đời của Sư đoàn 316 là bước chuẩn bị về lực lượng để ta làm chủ hoàn toàn vùng biên giới phía Bắc, chuyển hẳn sang thế phản công và đánh bại hoàn toàn kế hoạch Na-va, đập nát ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng các Sư đoàn 312, 308, Đại đoàn 351, Sư đoàn 316 đã liên tục bám trụ chiến trường, lập nhiều chiến công góp phần cùng cả nước đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, theo đề nghị của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Bác Hồ ký Quyết định thành lập Đoàn 100 tình nguyện quân, bổ nhiệm đồng chí Chu Huy Mân làm Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng uỷ kiêm Trưởng đoàn cố vấn quân sự của Chính phủ VNDCCH bên cạnh Chính phủ kháng chiến Lào.
Ngày 20/8/1954, trước khi lên đường sang Viêng Chăn, đồng chí Chu Huy Mân đựợc Bác gặp. Bác ân cần:
- Đông Dương là một chiến trường. Giúp Bạn là tự giúp mình, là ăn cơm nhà làm việc nhà trên đất Bạn. Để giữ bí mật trong liên lạc, Bác đặt tên mới cho chú là Hai Mạnh nhé!
Chu Huy Mân nghẹn ngào:
- Thưa Bác, cháu hiểu nhiệm vụ của chúng cháu là phải xây dựng đựơc cho Bạn “mạnh Chính trị, mạnh Quân sự”. Muốn vậy, chúng cháu phải đoàn kết xây dựng tập thể Đoàn 100 thành lập đội quân tình nguyện “mạnh Chính trị, mạnh Quân sự” ạ!
Bác cười hiền từ:
- Chú đồ Nghệ lại bẻ chữ với Bác à?
Đinh ninh trong dạ những lời Bác, Hai Mạnh và tập thể Đoàn 100 vừa là cố vấn vừa là người tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng LLVT cách mạng nuớc Bạn không ngừng lớn mạnh.
Cuối năm 1957, đồng chí Chu Huy Mân về nước được bổ nhịêm làm Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu IV. Năm 1958, đồng chí Chu Huy Mân đựơc phong quân hàm Thiếu tướng, đựơc giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc với cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu cho đến 1960.
Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu IV và Quân khu Việt Bắc, đồng chí Chu Huy Mân lại có điều kiện giúp đỡ cách mạng Lào một cách thiết thực. Đặc biệt, khi tình hình cách mạng Lào gặp nhiều khó khăn, Quân khu IV và Quân khu Việt Bắc đã trở thành hậu phương tin cậy, vững chắc cho cách mạng Lào.
Tháng 11/1960, lực lượng phản động Lào tái chiếm Viêng Chăn. Chính phủ cách mạng Lào đề nghị Chính phủ Việt Nam viện trợ khẩn cấp bảo vệ Thủ đô. Đồng chí Hai Mạnh lại được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục cử sang giúp bạn. Bảo vệ vững chắc Viêng Chăn, tấn công nhà giam phái hữu giải thoát Hoàng thân Xu-pha-nu-vông về tiếp tục lãnh đạo kháng chiến, đập tan các căn cứ phản động… Sự giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam dưới sự chỉ huy của đồng chí Hai Mạnh đã được Đảng và Nhà nước bạn đánh giá cao!
Cuối năm 1961, Thiếu tướng Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ trở lại Quân khu với cương vị Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu IV. Trước khi lên đường trở lại quê hương, một hanh phúc bất ngờ đã đến với Thiếu tướng Chu Huy Mân, qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ gửi tặng ông một chiếc đồng hồ đeo tay Vi-le, phía sau có khắc dòng chữ “Hồ Chí Minh” (tặng) và tấm thiếp Bác ghi: “Tôi tặng Chú chiếc đồng hồ, vì Chú đã có thành tích giúp Đảng, nhân dân cách mạng Lào, xây dựng LLVT cách mạng Lào”.
Một điều thiêng liêng không thể không nhắc đến: người con trai duy nhất của Đại tướng Chu Huy Mân là Trung tá Chu Huy Sơn, đã hy sinh trên đất bạn sau ngày đất nước thống nhất!
Tháng 3 năm 1964, Thiếu tướng Chu Huy Mân rời chiến trường Quân khu IV vào Quân khu V, giữ chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chính ủy Quân khu.
Tây Nguyên - Khu V vùng đất trọng yếu trong chiến tranh, các chiến lược gia quân sự Pháp, Mỹ đều gọi “Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương” và đều có chung một quyết tâm: “Làm chủ Tây Nguyên để làm chủ Việt - Miên - Lào”. Vì thế Tây Nguyên, Khu V đã trở thành địa bàn đọ sức quyết liệt giữa ta và địch để giành dân, giành đất.
Trong ác liệt đạn bom, chất độc da cam, trước tình hình Mỹ gia tăng lực lượng, gia tăng cường độ đánh Tây Nguyên, đường 559, Thiếu tướng Chu Huy Mân đã đề xuất Bộ Tổng tư lệnh cho mở Mặt trận Tây Nguyên để thu hút, giam chân địch, chia lửa với miền Bắc, tiêu diệt Mỹ, đánh tan từng bước ảo vọng làm chủ Tây Nguyên của Mỹ. Kế hoạch được chuẩn y, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận. Ông đã là trực tiếp chỉ huy chiến dịch Plây Me từ 19/10 đến 26/11/1965, là chiến dịch đầu tiên của mặt trận Tây Nguyên đánh Mỹ, thắng Mỹ!
Mùa Xuân 1974, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng.
Mặt trận Tây Nguyên, Quân khu V đã làm tốt công tác chuẩn bị chiến trường để làm điểm đột phá cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chiến dịch Tây Nguyên từ (4/3 đến 3/4/1975) do đồng chí làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ đã giải phóng các tỉnh Nam Tây Nguyên, tạo thế chia cắt chiến lược, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Và tiếp đó, đồng chí là Chính uỷ của chiến dịch lớn Huế - Đà Nẵng, góp phần tạo ra bước ngoặt, đưa cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ tiến công có ý nghĩa chiến lược đến tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Sau khi đất nước giải phóng (1975), trên cương vị Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu V, Thượng tướng Chu Huy Mân đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc cải tạo, xây dựng, phát tiển của 11 tỉnh trong Quân khu. Năm 1980, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng...
Là người đảng viên đầu tiên trong QĐND nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, trọn một đời vì nước vì dân, Đại tướng Chu Huy Mân là một tấm gương người cộng sản chân chính, một tướng lĩnh tài ba, đức độ. Từ Việt Bắc đến đất nước Triệu Voi, rồi Tây Nguyên..., những chiến công của danh tướng Hai Mạnh mãi mãi đi vào lịch sử, tiếp nối truyền thống danh tướng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh!