(Baonghean) - Nằm soi bóng bên dòng sông Hiếu, TX trẻ Thái Hòa hôm nay như một đóa hoa rừng khoe sắc thắm trên dải đất Phủ Quỳ trù phú. Những đường phố rộng rãi khang trang, hàng loạt ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, vẽ nên bức tranh về đô thị trẻ năng động mà hiền hòa, hiện đại sau 5 năm chia tách từ huyện Nghĩa Đàn cũ. TX Thái Hòa giờ đây xứng đáng là đô thị trung tâm của miền Tây xứ Nghệ, là động lực phát triển cho cả vùng Phủ Quỳ rộng lớn, vốn mang trong mình nhiều tiềm năng.

Những ngày này, đi trong lòng Thị xã, không khí như rộn ràng hơn. Bởi trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TX. Thái Hòa đang dồn tâm sức chuẩn bị những bước cuối cùng cho Lễ hội Làng Vạc sẽ diễn ra trong 3 ngày mồng 7,8,9 tháng 2 âm lịch. Nơi đây, từ một sự ngẫu nhiên, Di tích Làng Vạc được phát hiện. Mộ táng, những vũ khí bằng đồng như: giáo, lao, kiếm, dao găm được các nhà khảo cổ học khai quật trong nhưng năm 70, 80, 90 của thế kỷ trước đã minh chứng TX Thái Hòa xưa là nơi quần tụ của người Việt cổ và là nơi phát triển rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn. Sống trên vùng đất mang trong mình tầm vóc lịch sử to lớn, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn TX Thái Hòa hôm nay luôn ý thức được mối quan hệ văn hóa xa xưa trong tiến trình lịch sử với công cuộc xây dựng thị xã hôm nay. Thái Hoà – đô thị miền trung du được thành lập ngày 10/5/2008 theo Nghị định số 164/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính ngày 15/11/2007. Và 5 năm chỉ như một cái chớp mắt của thời gian nếu so với lịch sử của vùng đất này. Nhưng nó cũng vừa đủ để nhân dân của Thị trấn Thái Hòa và 7 xã thuộc huyện Nghĩa Đàn trước đây đã làm được khối lượng công việc đồ sộ, xây dựng nên thị xã có được hình hài hôm nay.

Anh Trần Vũ Thắng, cán bộ trẻ của Phòng Văn hóa thị xã tận tình hướng dẫn tôi về thăm phường Quang Phong, TX. Thái Hòa – đơn vị hành chính được chia tách từ xã Nghĩa Tiến (cũ) với xuất phát điểm là con số không tròn trĩnh, thuộc vào diện khó khăn nhất thị xã lúc bấy giờ. Phường phải mượn 3 gian nhà văn hóa của khối Nghĩa Sơn làm trụ sở. Trường tiểu học xuống cấp trầm trọng, còn trạm y tế là một dãy nhà 3 gian được xây dựng từ năm 1968. Các cháu mầm non phải đi học nhờ nhà văn hóa các khối. Khó khăn cũng là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường đồng cam cộng khổ vươn lên. Việc cần làm ngay là xây dựng hệ thống các trường, trạm. Bằng nguồn ngân sách địa phương, sự hỗ trợ của thị xã, tỉnh và đặc biệt là nguồn đóng góp của nhân dân, lần lượt các công xây dựng mọc lên, xóa đi hình ảnh thiếu thốn, nghèo nàn thuở ban đầu. Nay, Quang Phong đã có Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Con em đã được học hành trong những lớp học khang trang. “Mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Nhưng, chúng tôi không bất ngờ vì tất cả đã được hoạch định lộ trình từ trước. Mỗi năm, nguồn đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương cũng lên đến 3 tỷ đồng. Trước mắt còn nhiều việc phải làm để Quang Phong sánh ngang các phường bạn, hòa vào dòng chảy phát triển chung của TX Thái Hòa”, chị Nguyễn Thị Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường bộc bạch.

791620_small_92772.jpg

                                    Một góc chợ Thị xã Thái Hòa. Ảnh: SM

Đổi thay của Quang Phong nay đã len vào từng đường làng, ngõ xóm, trong ý thức của nhân dân. Ví như câu chuyện về sức mạnh lòng dân ở khối Nam Cường mà tôi được ông Lê Phúc Ân - Chủ tịch UBND thị xã kể cho nghe trong một lần nói chuyện. Năm 1978, sau trận lụt lịch sử, 49 hộ dân ở xã Nam Cường, huyện Nam Đàn dắt díu nhau lên đây lập nghiệp và lấy tên quê cũ đặt cho vùng đất mới, thể hiện tấm lòng luôn nhớ về cố hương. Với đôi bàn tay khối óc, rừng rậm hoang vu được thuần hóa, thay vào đó là những triền đồi xanh mướt mát mía, ngô. Cuộc sống của bà con đi lên nhưng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá xuống cấp trầm trọng. Chẳng ai bảo ai, mấy năm nay, cứ như hương ước của một làng cổ cựu, mỗi hộ dân đóng 350.000 đồng, mỗi khẩu đóng thêm 60. 000 đồng/năm lấy quỹ làm đường bê tông. Mới đây, thị xã đầu tư xây dựng đường bê tông từ trung tâm phường kết nối vào hệ thống đường bê tông của khối. Nhiều hộ dân đã tự nguyện phá tường rào, hiến đất nơi con đường đi qua, bởi họ muốn góp phần xây dựng thị xã sau khi chia tách và sau họ đã có cả cộng đồng giúp đỡ. Nhà nào hiến hàng rào để làm đường đều được nhân dân trong khối đóng góp tiền, công sức giúp xây dựng lại toàn bộ.

Chia tay mảng màu sắc nông thôn ở Quang Phong, chúng tôi ngược trở lại khối Kim Tân, phường Hòa Hiếu. Đây là trung tâm của đô thị Thái Hòa năng động, phát triển. Dọc các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Chu Huy Mân là san sát cửa hiệu với khung cảnh mua bán sầm uất, nhộn nhịp, xứng đáng đại diện cho gam màu phố thị. Cả khối có 403 hộ dân sinh sống trên 16 tổ dân cư có đến 50% số hộ dân làm dịch vụ, 30% làm nghề tiểu thủ công nghiệp, còn lại là cán bộ công chức, hưu trí. Bác Vũ Phi Thường – Phó Bí thư chi bộ, Khối trưởng sinh ra, trưởng thành, gắn bó với mảnh đất Thái Hòa 61 năm nay. Trong tâm trí ông, Thái Hòa xưa là mảnh đất nghèo khó, sau này cuộc sống có phát triển lên nhưng cũng chỉ là phố huyện vùng cao. Đô thị Thái Hòa chỉ thực sự vươn mình thức giấc sau khi được chia tách cách đây 5 năm. “Tốc độ phát triển quá nhanh. Phố phường đẹp hơn từng ngày. Mấy đứa con tôi đi làm ăn xa, cứ sau 1 năm trở về lại xuýt xoa về sự đổi thay đến ngỡ ngàng của quê hương. Không chỉ vậy, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao, kéo theo ý thức cũng thay đổi cho phù hợp với nếp sống đô thị”.

Với lợi thế nằm trên trục Quốc lộ 48, giáp với đường Hồ Chí Minh, đô thị trẻ Thái Hòa hội đủ mọi điều kiện để xây dựng một đô thị phát triển hiện đại, hài hòa với những giá trị lịch sử hiếm có chứa đựng trong nó. Và sự kỳ vọng đó đang thể hiện từng ngày trong chính nhịp sống phố phường sôi động, trong mỗi căn nhà và trên hết là trong cảm nhận của mỗi người dân thị xã.


Thành Duy