(Baonghean) - Từ ngày 15/10, Thông tư 30 về đánh giá học sinh chính thức được áp dụng ở bậc tiểu học. Từ đây, thay vì đánh giá học sinh bằng điểm số, giáo viên chuyển sang nhận xét, xếp loại. Sự thay đổi này là một bước đột phá trong quá trình cải cách giáo dục, nhưng đi kèm với đó là những băn khoăn, trăn trở. Phóng viên Báo Nghệ An đăng tải một số ý kiến của những người trong cuộc xung quanh vấn đề này...
- Em Nguyễn Trần Phương Linh, lớp 4G – Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (Thành phố Vinh): Thầy cô không chấm điểm mà thay bằng lời phê nhận xét, nên em hiểu rõ hơn về bài làm của mình còn mắc những lỗi gì, còn sai sót ở đâu để sửa chữa. Ví dụ như trong bài tập toán vừa rồi, cô giáo phê ngay dưới lỗi sai “Trong một dãy phép tính không thực hiện phép cộng trước phép nhân”. Sau khi được cô nhận xét cụ thể, em thấy dễ nhớ và tránh không mắc lỗi tương tự nữa. Nhưng em vẫn thích được cô giáo chấm điểm để biết được bài làm của mình tốt ở mức độ cụ thể nào. Nên nếu cô giáo vừa chấm điểm, vừa ghi lời phê cho chúng em thì thích hơn, mới biết mình có tiến bộ hay không và để cố gắng.
- Anh Nguyễn Thanh Thịnh (phường Vinh Tân) có con học Trường Tiểu học Hồng Sơn – TP. Vinh: Đối với môn Toán, câu nào sai cô giáo chữa vào bài, phụ huynh ước lượng được khả năng của con đến đâu. Nhưng một số môn khác như tiếng Việt, Tập viết,… nếu căn cứ vào những nhận xét của giáo viên thì rất khó để biết được con có tiến bộ không. Học sinh đông như vậy, chỉ sợ các cô không thể nhận xét một cách cụ thể được với từng em. Mà nhận xét chung chung theo kiểu “bài làm tốt”, “bài làm đạt”… thì bố mẹ không thể biết lực học của con mình thế nào để có phương pháp uốn nắn, kèm cặp. Ái ngại hơn là các cháu lại có tư tưởng thoả mãn, không cố gắng nhiều.
- Cô Nguyễn Thị Chung, giáo viên Trường Tiểu học Xuân Lâm - Nam Đàn: Áp dụng cách đánh giá học sinh theo phương pháp nhận xét đòi hỏi giáo viên phải dành thời gian sâu sát, quan tâm đến từng em để có những nhận xét chính xác nhất. Bởi vậy mà cô, trò gần gũi với nhau hơn. Về phía học sinh, các em cũng ý thức hơn để sửa sai khi được giáo viên chỉ ra từng lỗi nhỏ, với những câu nhận xét cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét cũng gây ra những áp lực khác với giáo viên. Lớp tôi chủ nhiệm có 40 học sinh. Nếu mỗi ngày chỉ nhận xét 2 môn Toán và Tiếng Việt thôi thì số vở cũng lên đến 80 cuốn, để nhận xét tỉ mỉ, sửa sai từng lỗi nhỏ cho từng em mất rất nhiều thời gian, không thể thực hiện hết trên lớp mà mang về nhà. Thời gian dành cho việc soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng cũng phải bớt đi vì dành cho việc nhận xét học sinh. Chưa kể, so với trước đây, giáo viên chỉ vào sổ điểm cho học sinh, thì nay với cách đánh giá theo hình thức mới này, trong sổ chủ nhiệm, giáo viên phải thực hiện nhận xét từng em. Mỗi lớp có rất đông học sinh nên việc một học kỳ phải nhận xét các em nhiều lần vào các loại sổ như: sổ chủ nhiệm, sổ liên lạc … rất mất thời gian.
Nhận xét, đánh giá của giáo viên ở Trường Tiểu học Thu Thủy sau khi Thông tư 30 được áp dụng. - Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Cửa Lò: Về phía các địa phương, tùy theo hoàn cảnh cũng đã chủ động xây dựng những giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Như ở Thị xã Cửa Lò, dù toàn thị xã chỉ có 2 trường được thụ hưởng dự án mô hình trường học mới VNEN, nhưng thị xã vẫn mạnh dạn áp dụng phương pháp này đến tất cả các trường học một cách có chọn lọc. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động nhóm cho học sinh và giáo viên dưới nhiều hình thức như nhóm cặp, nhóm nhỏ, nhóm lớn để tăng thêm các hoạt động tập thể, giúp học sinh mạnh dạn và chủ động hơn trong giao tiếp. Nhân rộng hình thức trang trí các lớp học theo mô hình trường học mới, giúp học sinh có nhiều cơ hội để tiếp cận với đồ dùng học tập và phát huy toàn diện sự sáng tạo của trẻ. Trong một số trường hợp họ đã “sáng tạo” ra những cách đánh giá cụ thể như tặng hoa điểm 10, cho điểm A+, A đối với những bài làm tốt. Đây có thể là một hình thức mà các nhà quản lý cần tham khảo và có định hướng để thực hiện quá trình chuyển đổi phương pháp, như thế sẽ không bị “khớp” cho phụ huynh và học sinh”.
- Ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo:Chuyển từ đánh giá học sinh bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét phù hợp với xu thế đổi mới trong giáo dục hiện nay, đặc biệt là với bậc tiểu học. Trước đây, việc dạy nặng về cung cấp kỹ năng, kiến thức cho học sinh, ngày nay đổi mới giáo dục, dạy học hướng tới phát triển năng lực người học (bao gồm năng lực chung và các kỹ năng học sinh như: kỹ năng giao tiếp, hợp tác, kỹ năng tự học, tự giải quyết vấn đề trong học tập). Để tiếp cận với phương pháp mới này và để hỗ trợ giáo viên làm tốt hơn công tác đánh giá nhận xét học sinh, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, Sở GD&ĐT đã xây dựng nhiều phương pháp về đổi mới cách dạy ở bậc tiểu học, trong đó, chú trọng các hoạt động như: Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hoá; Đưa các nội dung giáo dục văn hoá truyền thống vào nhà trường: Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí tích cực, các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, dân ca, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá; hướng dẫn học sinh tự quản, chủ động tự tổ chức, điều khiển các hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; bố trí tiết tự học cuối mỗi ngày, nhằm giúp học sinh tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập trên lớp theo tài liệu sử dụng thống nhất…
Bài, ảnh:Song hoàng – Đinh Nguyệt