(Baonghean.vn) – Dùng kích điện bắt cá, ngoài việc tận diệt thủy sinh thì người dân còn treo mạng sống của mình lên miệng hái tử thần. Vậy nhưng, dù đã được tuyên truyền, thậm chí bắt phạt, nhưng vẫn còn những người dân chọn “nghề” này kiếm kế sinh nhai.
Dụng cụ kích cá rất đơn giản, một bình ắc quy khoảng 12V gắn với bộ phận kích điện lên 220V; hai cái cần tre dài từ 2-3m, một cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm. Khi chọc hai cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện thì cá và các động vật thủy sinh nằm trong bán kính 3m sẽ bị điện giật chết hoặc gây thương tổn vĩnh viễn. Việc đánh bắt cá bằng xung điện mang tính hủy diệt cao. Các loại thủy sản khi bị giật xung điện sẽ không phát triển bình thường, loại nhỏ thì chết, lớn thì khó có khả năng sinh sản. Ảnh chụp tại xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương. Tại huyện Yên Thành, loại "ngư cụ" mang tính hủy diệt cao này đang được sử dụng tràn lan gây nên tình trạng nguồn lợi thủy sản nội đồng ngày càng cạn kiệt, và đã có trường hợp tử vong điện giật vào năm 2015. Nạn nhân là anh Trần Văn Huệ (SN 1985 trú tại xóm Minh Châu xã Văn Thành, tử vong khi đi bắt cá bằng kích điện trên sông Dinh). Mặc dù vậy thì nhiều người dân vẫn không hề e ngại, tiếp tục dùng xung điện đánh cá . (Ảnh chụp tại xóm Hoa Thám, xã Trung Thành, huyện Yên Thành). Hiện tại chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng là mua được ngay một bộ kích điện, cộng với bình ắc quy 500 ngàn đồng nữa là có bộ đồ nghề hoàn chỉnh. Lắp gắn đơn giản, giá cả lại tương đối rẻ nên nhiều người dân đã mua về tự chế công cụ đánh cá này. Trước đây, nhiều dòng kênh tiêu, có các loại cá trắm, chép, mè tự nhiên, vậy mà nay bị tận diệt đến nỗi chỉ còn lại vài con cá nhỏ. Tại Hiến Sơn (huyện Đô Lương) theo ông Nguyễn Quang Dũng, chủ tịch UBND xã thì hành vi dùng kích điện để bắt cá mặc dù đã bị chính quyền ngăn cấm nhưng có tới hơn 30 hộ vẫn hoạt động lén lút và xem đây là một nghề sinh nhai. Hằng năm số lượng xử phạt lên tới gần 40 trường hợp nhưng do lợi nhuận (mỗi ngày đi kích có thể thu nhập từ 200 đến 300 ngàn đồng) nên nhiều người vẫn tái phạm sau khi bị xử lý. Còn theo ông Hòang Ngọc Tuấn, chủ tịch xã Đặng Sơn (Đô Lương), một trong những địa phương còn xảy ra tình trạng dùng kích điện bắt cá thì từ năm ngoái đến nay xã đã xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm bằng cách tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính. Mặc dù chính quyền xã đã nỗ lực ngăn cấm nhưng vẫn còn tình trạng người dân lén lút thực hiện vào ban đêm. Các cơ quan chức năng địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử phạt các điểm bán dụng cụ kích điện, tăng cường tuần tra, truy quét những nơi các đối tượng thường xuyên kích cá; tuyên truyền, phân tích nguy hiểm, tác hại của việc dùng kích điện trái phép; cần phải xử phạt thật nghiêm các đối tượng vi phạm, tịch thu tiêu hủy tang vật, không dung túng cho hành vi trái phép này. Quỳnh Thanh