(Baonghean.vn) – Thời gian vừa qua, BHXH tỉnh Nghệ An nhận được rất nhiều ý kiến của người dân xung quanh vấn đề khám chữa bệnh BHYT như thế nào cho phù hợp. BHXH tỉnh Nghệ An trả lời cụ thể như sau:
* Nguyễn Thị Thu (xóm 17, Nghi Phú, TP Vinh) hỏi: “Tôi làm cho một công ty được 6 năm, nay công ty đã giải thể. Vừa qua, tôi xin vào làm công ty khác, sau đó xin nghỉ việc. Công ty mới yêu cầu tôi phải cung cấp sổ BHXH ở công ty cũ. Tôi phải làm sao?”.
- Trả lời: Trường hợp khi nghỉ việc tại công ty cũ, bạn chưa nhận lại sổ BHXH (sổ đã chốt), nay công ty cũ đã giải thể (hoặc phá sản, chuyển đi không để lại địa chỉ) thì bạn lập hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH theo phiếu GNHS 305, trong tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHYT (mẫu TK1-TS). Bạn cần ghi rõ khi nghỉ việc chưa nhận sổ BHXH và nay công ty đã giải thể, đồng thời đề nghị chốt sổ đến thời điểm công ty nộp đủ tiền cho cơ quan BHXH để được cấp lại sổ BHXH và chốt sổ.
* Nhà tôi 4 người đều có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Con dâu tôi quê ở Hà Tĩnh, vừa chuyển đến nhà tôi nên chưa có hộ khẩu, giờ cháu có thai mới nhớ ra chưa có thẻ BHYT. Vậy, giờ con tôi mua BHYT thì lúc sinh có sử dụng được không? (Bà Nguyễn Thị Sâm – Hà Huy Tập – TP Vinh).
- Trả lời:Con dâu bà nếu tạm trú tại địa chỉ nhà bà thì liên hệ đại lý thu BHYT phường Hà Huy Tập, để mua thẻ BHYT. Con bà chỉ cần xuất trình sổ tạm trú, kê khai theo mẫu. Nếu muốn giảm tiền mua thẻ BHYT, con bà cần photo thẻ BHYT của những người trong gia đình đã tham gia BHYT.
* Tôi bị tai nạn nằm viện ngày 29/3/2016, thẻ BHYT sắp hết hạn, thẻ mới chưa có vì công ty gia hạn trễ. Khi ra viện ngày 2/4 thì thẻ cũ đã hết hạn, tôi phải trả toàn bộ viện phí. Sau đó, tôi mang thẻ mới và tất cả giấy tờ ra viện làm hồ sơ để lấy lại tiền viện phí nhưng BHXH thành phố không chấp nhận, vì giấy xuất viện đã đề là thuộc đối tượng BHYT nhưng tờ thanh toán là bệnh nhân trả toàn bộ. (Một bạn đọc không nêu tên)
- Trả lời: Căn cứ thông tin do ông/bà cung cấp, việc bệnh viện yêu cầu người bệnh nộp toàn bộ viện phí, trong khi thẻ BHYT vẫn còn giá trị sử dụng là chưa thực hiện đúng với các quy định hiện hành, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông/bà. Về nguyên tắc, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT phải phù hợp với giá trị sử dụng của thẻ BHYT. Do đó, từ ngày ông/bà bị tai nạn phải nhập viện đến ngày thẻ BHYT hết hạn sử dụng, ông/bà phải được hưởng đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh BHYT tương ứng với mức hưởng được ghi trên thẻ.
Khi thẻ BHYT hết giá trị sử dụng, ông/bà phải tự thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp đó, nếu thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ cũ thì chi phí khám chữa bệnh trong giai đoạn này được quỹ BHYT thanh toán; nếu thẻ mới có giá trị sử dụng không nối tiếp với ngày hết hạn của thẻ cũ thì chi phí khám chữa bệnh trong giai đoạn này do đơn vị sử dụng lao động chi trả.
* Tôi có thẻ BHYT ở Hà Tĩnh, khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện cấp tỉnh, loại thẻ được miễn 100% chi phí. Tôi vào TP Vinh – Nghệ An tạm trú, vậy tôi có được miễn 100% ở bệnh viện tuyến tỉnh của TP Vinh – Nghệ An không? (Bà Nguyễn Thị Hồng – Cửa Nam – TP Vinh).
- Trả lời: Nếu ông/bà đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh của TP Vinh – Nghệ An nhưng không có giấy chuyển viện của bệnh viện đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc không phải trongh tình trạng cấp cứu thì được quỹ BHYT thanh toán 60% x chi phí khám chữa bệnh.
Nếu ông/bà có giấy tạm trú ở TP Vinh thì ông/bà được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh tại TP Vinh (cả nội trú và ngoại trú). Thủ tục gồm: Thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ, giấy tạm trú. Trường hợp ông/bà khám chữa bệnh tại các bệnh viện thuộc tuyến huyện thì chỉ cần trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân là sẽ được thanh toán 100% chi phí.
* Thẻ BHYT của tôi khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện đa khoa Nghệ An. Nay tôi có thể sử dụng thẻ ở Bệnh viện Giao thông có được không? (lehangkn@gmail.com)
- Trả lời:Ông/bà có thể khám chữa bệnh tại bất kỳ bệnh viện quận, huyện nào trên toàn quốc, chỉ cần đưa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân là được giải quyết như BHYT đúng tuyến. Trường hợp ông/bà khám chữa bệnh tại Bệnh viện Giao thông, nếu không có giấy chuyển viện của Bệnh viện đa khoa Nghệ An hoặc khám bệnh không trong tình trạng cấp cứu, thì ngoại trú ông/bà sẽ không được hưởng chế độ BHYT, nội trú được thanh toán 60% x chi phí x mức quyền lợi.
Thanh Thủy
(tổng hợp)