(Baonghean) -Công tác dân vận vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Từ khi ra đời và xác lập vị thế lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng công tác dân vận. Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới hiện nay, đâu đó một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, chưa thấy được “sức mạnh của sự đồng thuận” nên đã ảnh hướng đến hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” là định hướng quan trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân, tạo ra phong trào hành động cách mạng của toàn dân…
Khi người dân đồng thuận
Những năm gần đây, xã Cẩm Sơn trở thành điểm sáng của huyện Anh Sơn về những hiệu quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. Từ việc dồn điền, đổi thửa đến những mô hình trồng bí xanh, khoai tây, trồng chè và phát triển chăn nuôi trang trại đã đưa kinh tế của xã phát triển mạnh mẽ, cuộc sống người dân từng bước nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 20.600.000 đồng/năm, con số đó dự tính sẽ nâng lên 24.000.000 đồng/người/năm vào năm 2015.
Để có được những kết quả phấn khởi đó, bên cạnh định hướng đúng, Đảng ủy xã đã chú trọng công tác dân vận, huy động tính tự giác, tích cực của quần chúng nhân dân. Chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi người dân đều được đóng góp ý kiến và cùng tham gia bàn bạc thống nhất. Đảng ủy, UBND xã luôn sát cánh chăm lo công tác chuyển giao kỹ thuật, phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và thường xuyên khuyến khích động viên các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Bài học “dân vận khéo” mà xã áp dụng thực hiện gồm các bước: Thứ nhất, khéo chọn việc (chọn phần việc thiết thực, phù hợp với sức dân, có tính đột phá để làm); Thứ hai, khéo tổ chức (phân công cụ thể cho cán bộ, đảng viên từ tiên phong làm trước đến hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm); Thứ ba, khéo tuyên truyền, vận động (tăng cường giải thích, vận động từ mô hình cụ thể…) và thứ tư, khéo sơ kết, tổng kết (mỗi giai đoạn có đánh giá thành công, bài học kinh nghiệm và nhân rộng điển hình).
Cũng nhờ “dân vận khéo” trong việc huy động sức dân, đầu năm 2013, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông) đã xây dựng được nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, và hoàn thành xây dựng hệ thống giao thông nội thôn bằng bê tông. Đồng chí Lương Văn Thắng - Bí thư thôn Lam Bồng cho biết: “Công trình này trị giá trên 200 triệu đồng, trong đó, xã và huyện chỉ hỗ trợ 30 triệu đồng, số còn lại nhân dân trong thôn đóng góp. Ở đây không chỉ đơn thuần là mỗi người dân đóng góp 450.000đ mà cái lớn hơn chính là sự đồng thuận, tạo nên sức mạnh tập thể. Quá trình thực hiện, tổ dân vận chúng tôi tăng cường tuyên truyền chủ trương, tổ chức họp dân để thống nhất, phân công giám sát thi công chặt chẽ và công khai, minh bạch mọi đóng góp, chi phí. Chính sự minh bạch, dân chủ và vì dân nên sau khi xây dựng xong nhà sinh hoạt cộng đồng, nhân dân lại cùng nhau góp tiền của, công sức đổ bê tông đường giao thông toàn thôn…”.
Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Lam Bồng (Bồng Khê - Con Cuông).
Xã Châu Bính, một xã khó khăn của huyện vùng cao Quỳ Châu, đơn vị được Ban Dân vận Huyện ủy chọn xây dựng mô hình dân vận ở cơ sở. 13 bản/13 bản của xã đều đăng ký xây dựng các mô hình dân vận. Tiêu biểu như tại bản Luồng, chi hội phụ nữ bản đã đăng ký xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”, gồm: không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học, không sinh con thứ 3, không có người nghiện ma túy, không có chủ trương, chính sách không thông qua nhân dân và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Sau hơn nửa năm triển khai, với sự tiên phong của chị em trong hội phụ nữ, khung cảnh làng quê ở bản Luồng luôn sạch sẽ, tinh tươm; nếp sống của nhân dân văn minh, tiến bộ hơn trước rất nhiều. Chị Sầm Thị Xuân – Bí thư chi bộ bản chia sẻ: Chị em là người trực tiếp lo “chuyện bếp núc” trong mỗi gia đình. Nên khi chi hội phụ nữ đứng ra vận động thực hiện “5 không, 3 sạch”, mọi người ủng hộ rất nhiệt tình, y thức chung của cả cộng đồng theo đó cũng nâng cao. Cả bản Luồng, suốt 15 năm liền không có người sinh con thứ 3”.
Cũng tại Châu Bính, chúng tôi được trực tiếp hiệu quả của mô hình “dân vận khéo” tại bản Xăng 2. Năm 2005, anh Vi Văn Thuyên (bản Xăng 2) bị bắt và kết án 7 năm tù giam vì tội mua bán ma túy, để lại vợ và 4 con bơ vơ, nheo nhóc ở nhà. Nhận thấy sai lầm của mình, anh Thuyên đã ý thức cải tạo tốt và được Đảng, Nhà nước ân xá cho ra tù trước thời hạn 20 tháng. Trở về địa phương, tổ dân vận của bản đã chủ động gần gũi, động viên, chia sẻ với anh và gia đình. Nhờ vậy, anh Thuyên nhanh chóng bước qua mặc cảm hòa nhập với cộng đồng, phát triển kinh tế. Hiện gia đình anh là chủ của một cơ sở đúc gạch táp - lô, mỗi tháng xuất bán 1,5 vạn viên cho thị trường trong và ngoài huyện. Riêng nhân dân trong xóm, bản được gia đình anh cho mua chịu với số tiền lên đến 300 triệu đồng. “Lúc mới ra trại trở về địa phương, tâm lý của mình rất ái ngại nhưng được các bác, các chú trong tổ dân vận tận tình quan tâm, thăm hỏi, động viên nên mình xóa đi được mặc cảm. Mình quyết tâm làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, bù lại cho vợ con những ngày dài chờ đợi trong khốn khó và đáp lại lòng tin, bao dung của bà con trong bản dành cho mình”, anh Thuyên chia sẻ.
Những mô hình, cách làm “dân vận khéo” từ thực tế đã khẳng định, công tác dân vận vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ đã giao cho… Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được” (Bài viết về dân vận của Bác Hồ đăng báo Sự Thật ngày 15/10/1949).
Những căn dặn của Bác cách đây 64 năm, đến nay vẫn nguyên giá trị giáo dục sâu sắc, trở thành những bài học xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, trong mỗi hoạt động của chính quyền và từng việc làm cụ thể của cán bộ, đảng viên. Bài học đó được vận dụng và phát huy hiệu quả ở nhiều lĩnh vực, ở các vùng, miền, tạo nên những giá trị tích cực. Thể hiện rõ nhất là nhiều xã, phường, thị trấn; nhiều thôn, xóm, bản, làng đã phát huy công tác dân vận trong các phong trào, từng phần việc cụ thể. Thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 2.852 mô hình dân vận khéo cấp xã; 3.312 mô hình dân vận khéo ở cấp thôn, xóm, bản, làng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư…
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” chỉ rõ: “Công tác dân vận còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận còn chưa kịp thời, kém hiệu quả; chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân... để có chủ trương, chính sách phù hợp. Việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Nguyên nhân của tồn tại, yếu kém đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan nhưng quan trọng nhất, mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần nhìn nhận, tự kiểm điểm để có những chính sách đổi mới công tác dân vận một cách phù hợp nhất với thực tế từng địa phương.
Qua tìm hiểu thực tế, thấy rằng ở một số địa phương, cấp ủy chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác dân vận nên chưa chọn đúng cán bộ. Thậm chí một số huyện, xã lại coi ban dân vận, khối dân vận là nơi để bố trí cán bộ “có vấn đề”, từng liên quan đến những yếu kém, sai sót ở những vị trí khác trước đó. Bên cạnh đó, mặc dù khối dân vận từ huyện tới xã được tập hợp gồm mặt trận, các đoàn thể, tổ chức xã hội nhưng cách triển khai chưa bài bản, cán bộ chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm để vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Đó là chưa kể đến tính gương mẫu của cán bộ làm công tác dân vận trong mối quan hệ “máu thịt” với nhân dân xóm làng.
Anh Vi Văn Thuyên mở xưởng sản xuất gạch táp lô cho thu nhập cao.
Công tác dân vận, xét về thực chất là tuyên truyền, vận động, tập hợp sự đồng thuận hợp sức của nhân dân. Để làm tốt công tác này, đòi hỏi phải tăng cường phát huy qui chế dân chủ cơ sở; tăng cường sự gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với người dân và phải minh bạch, công khai trước dân những việc cần làm cũng như quyền lợi mà người dân được hưởng. Những tồn tại của công tác dân vận lâu nay chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng và giải quyết những vấn đề cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của nhân dân. Hầu như địa phương nào cũng “mắc” trong lĩnh vực này.
Còn nhớ, cách đây hai năm, huyện Tân Kỳ thi công nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào trung tâm xã Phú Sơn; đoạn đường có chiều dài chỉ gần 20km, khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển cây mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Sông Con, đồng thời tạo điều kiện để người dân miền núi nghèo nơi đây đi lại, lưu thông tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng vì Ban giải phóng mặt bằng huyện đã không công khai, minh bạch quyết định áp giá đền bù thu hồi đất, tài sản, tạo nên sự nhập nhằng, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, do đó, một số hộ dân đã phản đối, cho đến khi chính quyền huyện giải quyết “thấu tình, đạt lý”, tuyến đường mới được thi công (chậm so với kế hoạch gần một năm). Những tồn tại trong công tác dân vận đã gây ra nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thi công các công trình như đóng cửa bãi rác Hưng Đông chuyển sang bãi rác mới ở Nghi Yên; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A, Đại lộ Vinh - Cửa Lò…
Phân tích những tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cho thấy quá trình thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, công tác dân vận chưa được chú trọng ngay từ đầu mà chỉ đến khi khó khăn mới “điều động” dân vận vào cuộc. Cũng chính vì không được tham gia từ đầu nên cán bộ làm công tác dân vận không nắm hết được thông tin hoặc không được cung cấp đầy đủ những chương trình, dự án nên hiệu quả công tác dân vận chưa cao, dẫn đến vấn đề kéo dài, nảy sinh mâu thuẫn.
Để khắc phục hiện trạng đó, tỉnh ta khi triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 7(khóa XI) về công tác dân vận đã chỉ đạo thực hiện đề án “công tác dân vận, quy chế dân chủ cơ sở trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất tái định cư”. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng chương trình hành động gồm 10 nội dung nhằm tăng cường, đổi mới công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn dân cư, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những tuyến đường bê tông khép kín ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn).
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận đòi hỏi phải xuất phát từ cơ sở, sát đúng với sự phát triển nhanh chóng của thực tiễn. Hơn ai hết, cấp ủy chi bộ, các tổ dân vận, khối dân vận từ mỗi thôn bản, xã phường phải hiểu rõ nhất tình hình cơ sở và tâm tư tình cảm của lực lượng quần chúng nhân dân ở mỗi khu vực dân cư. Từ thực tế, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cần có những phương pháp vận động, tập hợp quần chúng phù hợp với từng đối tượng.
Trong giai đoạn hiện nay, khắp các địa phương đang thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhiều nơi đã biết khơi dậy sự tự giác của người dân, làm được nhiều công trình ý nghĩa. Đó là huy động sức mạnh tổng hợp của người dân trong xây dựng giao thông nông thôn, chỉnh trang đồng ruộng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xây dựng các thiết chế văn hóa. Mỗi công trình hoàn thành thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Qua đó, hệ thống chính trị cơ sở cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác dân vận, phát huy dân chủ của người dân theo hướng “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. Việc biết phát huy dân chủ với phương châm “ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ góp phần quan trọng trong việc huy động sức đóng góp của nhân dân phục vụ vào công việc chung của cộng đồng và cuối cùng là người dân được hưởng thành quả đó.
Trao đổi về chương trình hành động của hệ thống dân vận, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: “Đồng thời với việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hoạt động dân vận từ huyện đến xã, thôn xóm, từ đó có những tăng cường, đổi mới hợp lý. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, ứng dụng, phát huy những mô hình “Dân vận khéo”, cổ vũ các nhân tố điển hình người tốt, việc tốt, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tạo nên phong trào rộng lớn, hiệu quả từ cơ sở… Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tăng cường phối hợp với các ban đảng, Văn phòng tỉnh, mặt trận và các đoàn thể theo dõi, đôn đốc thực hiện một cách hiệu quả nhất…”.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vai trò quan trọng, có tính quyết định của nhân dân và việc phát huy hiệu quả công tác dân vận là yếu tố cơ bản để tập hợp sức mạnh quần chúng nhân dân. Từ cổ chí kim, việc “khoan thư sức dân, lấy kế sâu rễ bền gốc” (Trần Hưng Đạo), chính là “việc nhân nghĩa cốt ở an dân” (Nguyễn Trãi). Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở “mọi việc thành bại đều ở nơi dân” và “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Nhắc lại những điều răn dạy của các bậc cha ông như vậy không có nghĩa là hô hào giáo điều mà để mỗi chúng ta thấy rõ trách nhiệm và không ngừng đổi mới công tác dân vận để huy động sức dân làm nên những thắng lợi trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.