(Baonghean) - Với mục tiêu quản lý thực phẩm phải bắt đầu từ khâu sản xuất của người nông dân, phong trào thi đua “Dân vận khéo sản xuất sạch” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Diễn Châu triển khai sâu rộng với nhiều hoạt động thiết thực, tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn trên thị trường.

Đây cũng là nội dung quan trọng trong thực hiện đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, thực hiện nghị quyết đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Diễn Trung là xã có số trang trại chăn nuôi gà và nuôi tôm lớn nhất huyện. Xác định chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại bền vững của ngành chăn nuôi, đảng ủy xã Diễn Trung đã chỉ đạo xây dựng 2 mô hình “dân vận khéo chăn nuôi sạch” đối với gà và tôm.

Việc xây dựng mô hình được giao trực tiếp cho hội nông dân phối hợp với hợp tác xã Chăn nuôi của xã triển khai các giải pháp thực hiện, phân công cán bộ phụ trách các địa bàn thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vận động bà con chăn nuôi chấp hành các quy định đảm bảo an toàn.

Đồng thời phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tập huấn, kiểm định thức ăn, chất lượng trứng, thịt gà, tôm… nhờ đó, hơn 60 hộ nuôi tôm trên địa bàn đều áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học, 119/162 trang trại nuôi gà ở xã Diễn Trung đã được Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nghệ An cấp giấy chứng nhận chăn nuôi VietGAP.

Như trang trại gia đình bà Cao Thị Ân, xóm 8, được hội nông dân xã vận động tham gia vào chương trình sản xuất VietGAP nên sản phẩm trứng gà đều được tiêu thụ với giá cả ổn định. Với 2.000 con gà đẻ, mỗi ngày gia đình bà thu lãi tới 900.000 đồng.

Bà Ân chia sẻ: Hội nông dân xã, xóm tuyên truyền về phòng dịch, phòng bệnh tật, không sử dụng chất cấm, bên cạnh đó giúp đỡ kiểm tra liên tục, đưa thức ăn đi xét nghiệm nên gà ăn uống đảm bảo, trứng đẻ nhiều, tiêu thụ ổn định nên gia đình thu lợi cao.

images1768288_images1767737_bna_58499857ecb60.jpgCán bộ HTX chăn nuôi Diễn Trung (Diễn Châu) hướng dẫn nhân dân sản xuất trứng gà sạch.

Nói về việc xây dựng các mô hình “sản xuất sạch”, ông Ngô Lân - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Trung cho biết: Hàng năm, Đảng ủy xã có nghị quyết, chuyên đề chỉ đạo vấn đề chăn nuôi an toàn cho bà con nhân dân. Theo đó, ngoài xây dựng mô hình dân vận khéo, chúng tôi cũng có chính sách thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo giá cả cho bà con. Những hộ gia đình chấp hành các quy định chăn nuôi theo tiêu chí VietGAP được chứng nhận và chủ hộ chăn nuôi được cấp chứng chỉ về kiến thức chăn nuôi được xã ưu tiên giới thiệu cho các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, được các đoàn thể hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất.

Nếu như Diễn Trung thiên về chăn nuôi thì xã Diễn Xuân được biết đến là vựa rau lớn của huyện Diễn Châu với hơn 200 hộ chuyên trồng rau với diện tích tới gần 90 ha.

Để tập hợp bà con trồng rau, tạo thuận tiện trong việc vận động sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xã đã thành lập 6 tổ làm rau trong toàn xã. Mỗi tổ đều xây dựng mô hình dân vận khéo “sản xuất rau an toàn” với sự tham gia của ban thường vụ hội nông dân, cấp ủy chi bộ và ban cán sự các xóm.

Cùng với tuyên truyền quy trình sản xuất rau an toàn, xã cũng tiến hành ký cam kết với tất cả các hộ trồng rau, cấp ủy các chi bộ gương mẫu thực hiện và trực tiếp vận động các hộ trồng rau không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục bị cấm, sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn và đảm bảo thời gian cách ly trước khi xuất bán, đồng thời gắn việc sản xuất rau an toàn với bình xét gia đình văn hóa vào cuối năm, bổ sung vào hương ước, quy ước các xóm trong việc sản xuất rau hàng hóa.

Hàng năm, xã đều tổ chức đánh giá việc chấp hành sản xuất an toàn của các thành viên. Qua đó biểu dương các điển hình và cũng như có hình thức nhắc nhở đối với các hộ vi phạm các quy định của hội.

Bà Nguyễn Thị Toàn, nông dân chuyên trồng dưa leo tại xã Diễn Xuân cho biết: Cán bộ xã tích cực tuyên truyền, ban cán sự xóm đến vận động rồi chính bà con làm dưa cũng tuyên truyền, vận động, truyền kinh nghiệm cho nhau để đảm bảo sản xuất an toàn, trồng rau sạch, rau an toàn, gây dựng thương hiệu cho mình và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Nuôi tôm an toàn sinh học cho thu nhập cao ở xã Diễn Trung.

Toàn huyện Diễn Châu hiện có 2.100 ha nuôi trồng thủy sản, 1.200 ha sản xuất rau và hơn 250 trang trại lớn nhỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm, cung cấp nguồn thực phẩm lớn không chỉ trên địa bàn huyện mà còn được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa 30, nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND huyện đã xây dựng đề án “tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, trong đó chú trọng việc quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng thì công tác dân vận khéo với các mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Kết quả, từ 4 mô hình dân vận khéo cấp huyện trong chăn nuôi gà, lợn, nuôi tôm an toàn, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 120 mô hình dân vận khéo đa dạng trên các lĩnh vực phù hợp với từng vùng sản xuất.

Các cấp hội nông dân - lực lượng nòng cốt trong phong trào dân vận sản xuất sạch đã khéo vận động các hộ nông dân xây dựng hơn 1.200 thùng thu gom chất thải bảo vệ thực vật tại các cánh đồng, 1.600 hầm biogas, hơn 200 hộ ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và giữ vệ sinh trong khu dân cư.

Qua đó đã có 168 trang trại được chứng nhận chăn nuôi VietGAP. Bên cạnh đó cũng xuất hiện hơn 10 mô hình sản xuất rau, củ quả, nấm được đầu tư quy mô theo công nghệ cao.

Ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho hay: Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang trở nên bức thiết và để quản lý vấn đề này ngay từ gốc, UBND huyện đã phối hợp với ban dân vận huyện ủy, các tổ chức đoàn thể như nông dân, đoàn thanh niên, phụ nữ xây dựng các mô hình dân vận khéo sản xuất sạch, sản xuất an toàn. Bước đầu đã tạo được phong trào thi đua thực hiện rất sôi nổi trong toàn huyện. Công tác dân vận khéo được triển khai theo hình thức đến từ hộ gia đình, tuyên truyền giải thích rồi cho xem các mô hình trình diễn để người dân nhận thức đầy đủ. Trên cơ sở đó, xã ký cam kết với từng hộ gia đình trong vấn đề sản xuất thực phẩm sạch.

Mai Giang

(Đài Diễn Châu)

TIN LIÊN QUAN