(Baonghean.vn) - Mỗi dân tộc thiểu số ở vùng cao xứ Nghệ đều có 1 phong tục riêng trong ngày Tết cổ truyền. Riêng người Mông, dù cái Tết truyền thống của họ đã lùi xa và nhập vào cái Tết Nguyên đán của dân tộc nhưng những phong tục của cộng đồng này vẫn ít bị mai một. Họ được xem là dân tộc thiểu số có ngày ănTết dài nhất ở miền Tây xứ Nghệ.

Chúng tôi tới bản Nậm Khiên (Nậm Càn, Kỳ Sơn) thăm gia đình ông Lầu Xái Phia nhân dịp cái Tết Nguyên đán đang cận kề. Trong nhà, vợ ông đang cùng người con dâu sắp xếp lại những tấm giấy vừa mới phơi khô để dùng trong dịp Tết. Bên bếp lửa hồng ngày lạnh của miền biên viễn, ông trầm tư kể cho chúng tôi nghe lại những nét phong tục của bà con người Mông trước đây mà theo ông bây giờ nó đã bị mai một đi ít nhiều.

images1809394_1.jpgTết người Mông ở Lào hiện nay có nét tương đồng với Tết truyền thống của người Mông Việt Nam trước đây. Ảnh: Đào Thọ

Tết người Mông bắt đầu từ ngày 30/10, bây giờ là ngày 30/12 (âm lịch) và kéo dài tùy theo từng dòng họ. Họ Lầu của ông ăn Tết trong 7 ngày, còn những họ khác thì thường chỉ 3-5 ngày. Do ngày trước, dịp Tết thường trùng vào những ngày bà con thu hoạch lúa rẫy và cây thuốc phiện nên cứ ăn tết xong là lên nương rẫy ngay.

Bây giờ đời sống khấm khá hơn nên cái Tết càng kéo dài ra có khi đến hết Rằm tháng Giêng mới xong. Trong mấy ngày ăn Tết, người Mông phải kiêng cữ không được đi làm và không đụng đến dao rựa. Cũng chính vì thế trước đó họ chuẩn bị tất cả mọi thứ từ thức ăn, củi đuốc đủ để dùng trong mấy ngày Tết.

Lễ cúng bản của người Mông dịp Tết. Ảnh: Đào Thọ

Chiều 30, mọi người cắt những tấm giấy mới dán vào khắp nơi ở nhà cửa, bàn ghế, cột cái để cầu may mắn cho năm mới an lành. Khoảng 4 giờ chiều, tất cả mọi người trong dòng họ tập trung tại sân vận động của bản để làm lễ cúng bản. Trưởng họ tay cầm gà dẫn đầu bà con đi xung quanh 1 đống cỏ tranh lớn ở giữa cắm 1 cây tủng xồng (1 loại cây gỗ mềm) để cúng tống tiễn năm cũ, mời các vị thần năm mới về ăn Tết. Xong ai về nhà nấy chuẩn bị bàn thờ và giết gà gọi vía đón năm mới. Tục này theo ông Lầu Xái Phia có phần giống với lễ đón giao thừa hiện nay.

Tuy nhiên, ngày ấy người Mông không có đồng hồ và các thiết bị xem thời gian như bây giờ để biết năm mới. Chính vì lẽ đó, mọi người trong bản phân công nhau trực, hễ nghe tiếng gà gáy đầu tiên thì báo hiệu cho bà con biết để cùng nhau dậy đón giao thừa. Ngày đó, người Mông hầu hết đều có khẩu súng kíp trong nhà nên tất cả đều đưa ra bắn lên trời báo hiệu khoảnh khắc thiêng liêng trong năm đã tới.

Mỗi người cầm một ống tre rủ nhau ra suối lấy nước uống và rửa mặt cầu mong cho năm mới an lành, may mắn, mùa màng bội thu. Theo quan niệm của cộng đồng này, ống nước đầu tiên ấy chứa đựng những gì trong sạch nhất, mát lành nhất như tấm lòng người Mông đối với thần linh tổ tiên vậy.

Nam nữ người Mông ném pao ngày Tết. Ảnh: Đào Thọ

Sáng mùng Một Tết, mọi người trong bản đi thăm và mang đến nhà nhau những câu chúc tốt đẹp nhất. Người già ngồi quanh bếp lửa ăn bánh nếp, uống chén rượu ngô hàn huyên tâm sự những chuyện năm cũ và khuyên bảo nhau cách làm ăn trong năm mới; nam nữ thì diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất rủ nhau ra sân thổi khèn, ném pao tìm vợ tìm chồng.

Những tiếng khèn lá, khèn môi, khèn cây cất lên vang vọng khắp núi rừng. Cứ thế ngày Tết kéo dài hết ngày này sang ngày khác. Đến ngày cuối cùng, gia chủ lấy miếng thịt treo ở cột cái căn nhà mấy ngày trước đó xuống để cúng cáo với thần linh, tổ tiên rằng tết đã hết, mọi người bắt đầu một ngày làm ăn mới.

Sắc đào Xuân nở trên bản người Mông. Ảnh: Đào Thọ

Ông Lầu Xái Phia trầm ngâm: “Bây giờ những phong tục ấy đã mai một đi nhiều. Thời đại công nghệ thông tin rồi nên không còn những người thổi khèn vui hay lấy ống tre ra suối lấy nước trong ngày Tết như trước nữa”. Ánh mắt ông ánh lên một nỗi niềm xa xăm. Ngoài kia, những cây đào cổ thụ đã bắt đầu hé nụ. Một năm mới của dân tộc đang sắp về./.

Đào Thọ

 

TIN LIÊN QUAN