Thủ tướng Anh Theresa May ngày 19/10 kêu gọi EU đưa ra một thỏa thuận về Brexit mà bà có thể bảo vệ được trước người dân xứ sở sương mù.
Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bế tắc xung quanh bất đồng về khoản “hóa đơn ly dị” khổng lồ.
Phát biểu tại bữa tiệc tối 19/10 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hội đồng châu Âu cùng 27 nguyên thủ quốc gia các nước thành viên của khối ở Brussels (Bỉ), Thủ tướng May nhấn mạnh yêu cầu bức thiết và rõ ràng đặt ra lúc này là EU phải phá vỡ bế tắc trong đàm phán Brexit và chuyển sang các cuộc đàm phán về thương mại giữa hai bên trong tương lai.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi các lãnh đạo EU đề nghị với Thủ tướng Anh rằng bà phải đưa ra một cam kết rõ ràng hơn về việc thanh toán khoản “hóa đơn ly dị” Brexit nếu muốn các cuộc đàm phán đạt tiến triển.
Bất chấp tình trạng bế tắc trong đàm phán hiện nay, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn kiên quyết bác bỏ sức ép ngày càng lớn từ trong nước yêu cầu bà công khai tuyên bố sẵn sàng từ bỏ đàm phán nếu không đạt được tiến triển như mong muốn. Bà kêu gọi nỗ lực và cố gắng chung để tiến hành các cuộc đàm phán với tinh thần mới, sao cho Anh và EU có thể “cùng tiến bước”.
“Tôi có thể nói rằng, những gì chúng tôi đang làm là vì một thỏa thuận tốt nhất có thể cho nước Anh, nhưng sẽ là vô trách nhiệm nếu chính phủ không chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Đó chính xác là những gì mà chúng tôi đang làm” - Thủ tướng Anh nêu rõ.
Liên quan tới “hóa đơn ly dị” Brexit, Phó trưởng đoàn nghị sĩ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong Quốc hội Đức ông Michael Fuchs tuyên bố, hóa đơn tài chính mà Anh cần hoàn thành để rời khỏi EU dao động trong khoảng từ 60 tỷ đến 100 tỷ euro. Ông cho rằng khoản tiền 20 tỷ euro mà Thủ tướng Anh đưa ra “chắc chắn là không đủ”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Anh trong EU, cũng thừa nhận, bản thân ông cũng đã đề nghị Thủ tướng Anh thể hiện quan điểm rõ ràng hơn về vấn đề hóa đơn tài chính Brexit.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đã có những dấu hiệu tiến triển “đáng khích lệ” trong đàm phán Brexit, đồng thời ám chỉ khả năng các cuộc đàm phán sẽ có kết quả tốt.
“Chúng ta sẽ thảo luận về Brexit tại hội nghị thượng đỉnh này”, bà Merkel nói. “Các cuộc đàm phán đã có những tiến bộ. Trưởng đoàn đàm phán Michel Banier sẽ gửi cho chúng ta bản báo cáo nói rằng, mọi thứ vẫn chưa đủ tiến bộ để bắt đầu giai đoạn hai, nhưng đây vẫn là điều đáng khích lệ”.
Thủ tướng Đức cũng khẳng định: “Mọi việc sẽ vẫn tiếp tục và chúng ta sẽ bắt đầu giai đoạn 2 vào tháng 12 tới. Tôi muốn tiếp tục các cuộc đàm phán trên tinh thần xây dựng và hợp tác với sự tôn trọng mong muốn rời EU của người dân Anh. Nhưng tôi cũng muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Anh và EU”.
Ngoài bất đồng về hóa đơn Brexit, Anh và EU cũng còn những khác biệt cơ bản về vai trò của Tòa án Công lý châu Âu trong việc đảm bảo quyền lợi của các công dân EU sống tại Anh hậu Brexit.
Trả lời báo chí châu Âu tại Brussels, Bỉ ngày 19/10, Bộ trưởng Anh phụ trách đàm phán Brexit, ông David Davis cho biết, nước Anh để ngỏ khả năng đưa ra một nhượng bộ mới về vấn đề này, theo đó, 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh có thể sẽ được có một khung thời gian nhất định để lo việc đưa gia đình sang Anh đoàn tụ cùng với mình sau Brexit.
Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho rằng, Anh cần phải đưa thêm một số nhượng bộ nữa nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán Brexit đạt được những tiến bộ cần thiết để Anh và EU có thể chuyển sang các thảo luận về tương lai mối quan hệ và thỏa thuận thương mại vào tháng 12 tới.
Không chỉ chịu áp lực từ phía EU, Thủ tướng Theresa May còn phải chịu sức ép ngay cả trong nước khi phải “chèo lái” tình hình chính trị nội bộ rất khó khăn, khi mà nhiều nhân vật có thế lực trong nước Anh đòi nước này rút khỏi đàm phán mà không cần thỏa thuận nào với EU.
Ngày 18/10 vừa qua, Chính phủ Anh đã phải trì hoãn quá trình đưa dự luật Brexit ra thảo luận tiếp tại Hạ viện, do lo ngại sẽ gặp phải thất bại từ sự chống đối của Công đảng đối lập và nhiều nghị sĩ “nổi loạn” thuộc đảng Bảo thủ với khoảng 300 nội dung sửa đổi bổ sung được yêu cầu đưa vào dự luật.
Ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại dự luật này sẽ chỉ được chính thức ban hành sau Giáng sinh năm nay./.
Theo VOV