(Baonghean.vn) – Tục bắt vợ là truyền thống từ lâu đời của người Mông Nghệ An. Khi được sự đồng ý của họ nhà gái, hai gia đình tổ chức lễ cưới với nhiều phong tục tập quán độc đáo. Đây là nét văn hoá truyền thống làm nên bản sắc của cộng đồng dân tộc này.
Phần lớn các đôi trai gái người Mông Nghệ An đều nên vợ nên chồng từ những ngày ném pao đầu Xuân. Khi được sự đồng ý của người con gái, chàng trai tổ chức bắt vợ theo phong tục. Ngày tổ chức lễ cưới, họ mời thầy cúng về cúng xin tổ tiên cho con cháu mình được nên duyên vợ chồng. Trong ảnh: Một thầy cúng đang tổ chức nghi lễ cho cặp vợ chồng ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn). Mâm cơm rất đơn giản, chỉ gồm cơm trắng, 1 bát thịt và 1 chén rượu. Cúng trong nhà xong, thầy cúng đem thìa cơm thịt ra ngoài mời tổ tiên về hưởng thụ. Bao giờ người Mông cũng dành 1 phần thịt của con lợn dùng trong đám cưới để biếu cho thầy cúng mang về coi như 1 sự trả công. Một mâm cơm dài trước lúc đám cưới diễn ra để 2 họ làm thủ tục xin dâu. Theo các già làng người Mông, trước đây không có chén uống rượu nên người Mông dùng nứa thay chén để 2 họ chúc nhau trong đám cưới. Hiện nay, phong tục này vẫn được giữ lại. Xin dâu xong, hai bên thông gia cùng chắp tay hướng vào bàn thờ để nói những lời hay ý đẹp chúc cho tình cảm 2 nhà mãi vững bền. Cuối cùng, họ trai cầm chiếc ô lưu giữ hồn vía của đôi vợ chồng xướng lên để chú rể lạy các bậc tổ tiên nhà gái. Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ trong ngày vui. Đây là 1 nét văn hoá truyền thống tạo nên bản sắc của cộng đồng người Mông ở miền Tây Nghệ An. Đào Thọ