Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi nên công tác chăm lo cho người nghèo và chính sách đang được các cơ quan, ban, ngành, các địa phương hết sức quan tâm.

Hỗ trợ gạo đúng đối tượng

Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội), đến nay đã có 8 tỉnh đề xuất hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, gồm Nghệ An, Hà Nam, Tuyên Quang, Bình Định, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng, Ninh Bình, với tổng số gạo hỗ trợ là 9.080 tấn cho hơn 561.000 nhân khẩu. 

Theo Bộ LĐTBXH, năm 2015, trước Tết chỉ cấp gạo ăn Tết, gạo cứu đói giáp hạt sẽ cấp sau Tết.

Ngoài 8 tỉnh này, các địa phương khác vẫn tiếp tục tổng hợp và gửi đề xuất cấp phát gạo cứu đói về Bộ LĐTBXH trước ngày 31/1. Cục Bảo trợ xã hội đã yêu cầu các địa phương làm gấp rút, để không hộ nào phải thiếu đói trong dịp Tết. Để tránh những sai phạm trong quá trình phát gạo cứu đói, Bộ LĐTBXH đã yêu cầu các địa phương giám sát, thực hiện nghiêm việc phát gạo. Địa phương nào có sai phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
 

images1124147_tangqualc2.jpgBộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tặng quà cho người có công tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: Xuân Minh


“Đối với người có công, Chủ tịch nước đã ký quyết định về mức quà tặng cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Ất Mùi theo 2 mức: 400.000 đồng và 200.000 đồng. Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công dịp Tết này là hơn 390 tỷ đồng cho hơn 2 triệu đối tượng. Việc chuyển quà của Chủ tịch nước đến các đối tượng người có công phải thực hiện trước Tết”, bà Đào Hồng Lan, thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết.

Bộ LĐTBXH cũng đã có văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố dành một phần ngân sách và vận động nguồn xã hội hóa để chăm lo đời sống cho người có công với tinh thần bảo đảm 100% người có công đón Tết vui tươi, đầm ấm. Đồng thời, lãnh đạo Bộ LĐTBXH và các bộ ban ngành hữu quan, địa phương tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách tại các Trung tâm Điều dưỡng, nuôi dưỡng thương binh và nhiều gia đình chính sách, người có công tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước. 

Riêng đối với những người có công gặp rủi ro, hỏa hoạn, ốm đau bệnh tật do vết thương tái phát... trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các địa phương quan tâm đảm bảo đưa các đối tượng đến bệnh viện khám chữa bệnh; đồng thời có các chính sách hỗ trợ cho những người có công trong dịp Tết. Trong năm 2014, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công” được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương; xây mới trao tặng trên 5.500 nhà, sửa chữa 3.300 nhà tình nghĩa; huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương trên 9 tỷ đồng, quỹ địa phương 1.916 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trên 5 triệu lượt người có công. 

Đến cuối năm 2014, có 96% hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân cư nơi cư trú; 95% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. 

Mức hỗ trợ cao hơn

Ngoài những hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương đang xây dựng chương trình hỗ trợ các đối tượng chính sách, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo... bằng ngân sách của địa phương. Theo ghi nhận, năm nay, mức hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, người có công, chính sách tại nhiều tỉnh đều tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái.

Dịp Tết Ất Mùi, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định trích ngân sách trên 230 tỷ đồng để tặng quà cho các đối tượng hưởng chính sách, người cao tuổi, cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức và hỗ trợ gia đình thuộc diện hộ nghèo; thăm hỏi tặng quà các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, chi bồi dưỡng cho các cán bộ và bổ sung tiền ăn cho đối tượng nuôi dưỡng, chữa trị tập trung nhân dịp Tết Ất Mùi 2015. 

Cụ thể, tặng quà trị giá 500.000 đồng/người cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động cách mạng từ 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945... 

Bên cạnh đó, còn có nhiều mức quà trị giá 100.000 - 300.000 đồng dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng sẽ tổ chức các đoàn đi thăm hỏi tới các gia đình chính sách, các hộ người có công tiêu biểu. Sở LĐTBXH Hà Nội cùng nhiều sở, ngành, địa phương, bố trí các đoàn thăm hỏi động viên trực tiếp, nhất là những nơi có tỷ lệ các đối tượng chính sách là người nghèo cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc và đảm bảo quản lý tốt nguồn quà, không để thất thoát, thiếu sự minh bạch.

TP Hồ Chí Minh dành 198 tỷ đồng chăm lo Tết cho 246.400 người trong diện chính sách, người có công, người nghèo... tăng khoảng 20% so với năm ngoái. UBND tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ dành 146 tỉ đồng để chăm lo Tết Ất Mùi cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng chính sách, xã hội, tăng 15% so với năm 2014.

 Tại các tỉnh ĐBSCL, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng chia sẻ: Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vui Xuân, đón Tết, Ất Mùi 2015, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tổ chức chương trình “Xuân Yêu thương” tại TP Cần Thơ vào ngày 10/2. 

Đồng thời, tổ chức thăm viếng, chúc Tết và tặng quà cho hơn 1.300 hộ nghèo, gia đình chính sách ở vùng sâu vùng xa, cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi biên giới, hải đảo vùng ĐBSCL với tổng kinh phí hơn 12 tỉ đồng. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, giúp bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn có được cái Tết vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc. 

Theo MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai, chương trình “Tết vì người nghèo” năm 2015 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 4 tỷ đồng. 

Với sự chung tay của cả cộng đồng, Tết đến với người nghèo, người có công, gia đình chính sách đầm ấm hơn.

Theo TTXVN