Chiều ngày 27/4, diễn ra Hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại điểm cầu Nghệ An, chủ trì hội nghị có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ,TB&XH. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An còn có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các điểm cầu của 21 huyện, thành, thị.
Có cơ chế giám sát chặt chẽ
Chính phủ đã có Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ.
Tại hội nghị này, các đại biểu cho ý kiến dự thảo về việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận trong giám sát chuyên đề. Qua đó, phát hiện kịp thời, hạn chế và ngăn chặn các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; đảm bảo triển khai đúng đối tượng, công bằng, chính xác và kịp thời.
QĐ số 15/ QĐ- TTg, quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân là người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nêu rõ:
1. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, với điều kiện:
Thời gian bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc từ 1 tháng liên tục tính từ ngày 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020
2. Hỗ trợ hộ kinh doanh, với điều kiện:
Doanh thu do cơ quan Thuế quản lý đối với hộ kinh doanh năm 2020 dưới 100 triệu đồng, được xác định tại thời điểm ngày 15/01/2020; tạm ngừng kinh doanh ngày 01/4/2020 theo Quyết định của Chu tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT- TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, với điều kiện:
Có giao kết hợp đồng lao động trước thời điểm ngày 01/4/2020 và đang tham gia BHXH; chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 01/4/2020 đến hết ngày 15/6/2020 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức cận nghèo.
4. Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, với điều kiện:
Mất việc làm, có thu nhập thấp dưới mức chuẩn cận nghèo, trong thời gian từ 01/4/2020 đến ngày 30/6/2020; là lao động bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô, chở khách, bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
- Ngoài ra, đối tượng người có công cách mạng đối tượng bảo trợ xã hội là những đối tượng có danh sách được hưởng trợ cấp ưu đãi tháng 4/2020.
- Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày 31/12/2019.
Rà soát nhanh, chi trả chính xác
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long nêu ý kiến: Ngay sau khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện với phương châm kịp thời, đúng đối tượng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai tại Nghệ An cho thấy, khó có thể xác định chính xác các đối tượng thuộc nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm.
"Và cũng nhân hội nghị này mong muốn Chính phủ cần có cơ chế giải quyết việc làm nhất là đối với đối tượng lao động trở về nước trong thời gian qua, khi dịch bệnh được đẩy lùi” - đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu ý kiến.
"Cụ thể, mong muốn có cơ chế trong việc kết nối các doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; quan tâm thị trường gần như Lào, Trung Quốc, Thái Lan bởi hiện đối tượng lao động đi làm việc ở các nước bạn khá lớn, diện bất hợp pháp vẫn còn nhiều".
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu: Các địa phương, các cấp, ngành cần rà soát kỹ đối tượng, đảm bảo công khai minh bạch; thường xuyên kiểm tra, không để tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; đảm bảo mỗi đối tượng hưởng một chính sách cao nhất.
Bộ trưởng cho biết: Việc ban hành Nghị quyết 42 và gói chính sách 62 nghìn tỷ là một chính sách chưa có tiền lệ. Gói hỗ trợ này đang thu hút sự quan tâm kỳ vọng rất lớn của nhân dân, thế nên các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần triển khai nhanh nhưng đảm bảo chính xác, đúng người, đúng đối tượng.
"Qua đây cũng cần lưu ý đến những trường hợp dù đúng đối tượng nhưng sẵn sàng nhường cho người khác khó khăn hơn mình, để có những hướng dẫn trong thực hiện trình tự thủ tục, hồ sơ", Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ không ban hành thêm các hướng dẫn, các địa phương, các cấp, ngành cần bám theo hướng dẫn chi tiết tại Quyết định số 15/2020/ QĐ-TTg ngày 24/4/2020. Các nhóm đối tượng người có công, bảo trợ, người nghèo và cận nghèo đã có số lượng cần phải thực hiện ngay, song song với đó thực hiện rà soát nhanh các nhóm lao động đảm bảo chính xác. Các địa phương cũng cần có cơ chế giám sát không để doanh nghiệp trục lợi chính sách.
Đối với các huyện, thành, thị của Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long yêu cầu các địa phương nắm rõ những yêu cầu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần lưu ý về trường hợp nhường chính sách.
“Các địa phương cần nhanh chóng rà soát ngay các đối tượng trong nhóm được hỗ trợ để triển khai nhanh, địa phương nào có danh sách trước sẽ được chi trả trước; các sở, ngành liên quan cần có cơ chế giám sát để đảm bảo danh sách đưa lên chính xác", Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.