“Thành công ru ngủ những tâm hồn yếu đuối nhưng lại thúc đẩy những tâm hồn mạnh mẽ tiếp tục tiến lên”, câu nói của nhà triết học người Pháp Maximilien Robespierre thường được báo chí phương Tây và các học giả trích dẫn khi đề cập đến cá tính mạnh mẽ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thường được ca ngợi là “kiến trúc sư trưởng” cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong mắt phương Tây
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã gây ra một cú sốc lớn đối với phương Tây. Hàng chục năm sau chiến thắng vĩ đại này, các học giả, giới quan sát và cả báo chí phương Tây đã tìm mọi cách giải đáp câu hỏi, làm thế nào để Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể đánh bại kẻ thù được đánh giá là mạnh hơn mình hàng chục lần và được trang bị vũ khí hiện đại hơn rất nhiều.
Đặc biệt, cứ điểm Điện Biên Phủ từng được chính tướng Pháp Henri Navarre khẳng định là “pháo đài bất khả xâm phạm”, khi tập đoàn cứ điểm chỉ trải rộng khoảng 2,5 km2 này tập trung tới 16.000 quân và một số dự trữ đạn khổng lồ: khoảng 10 vạn viên, có tới 12 khẩu 105 mm, 4 khẩu 155 mm, 24 khẩu cối... lại có xe tăng, máy bay, pháo yểm trợ. Thậm chí, tướng Navarre còn tự tin cho rằng, Điện Biên Phủ sẽ là “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”.
Sự tự tin thái quá của tướng Navarre đã bị đập tan bởi ý chí mạnh mẽ cùng chiến lược quân sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bẻ gẫy. Dù đã cố gắng phân tích về nghệ thuật chiến tranh du kích của ông và đưa ra so sánh với những tên tuổi lớn về nghệ thuật này như Che Guevara hay Fidel Castro, giới chuyên gia quân sự phương Tây khẳng định, sự khác biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là quá lớn và “sẽ khó có một Võ Nguyên Giáp thứ 2 trong lịch sử quân sự thế giới”.
Sự khác biệt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ở chỗ, ông được chính các chuyên gia quân sự phương Tây gọi là “Napoleon Đỏ”. Một sự kính trọng rất lớn khi tên ông sánh ngang với vị Hoàng đế có chiến công quân sự hiển hách nhất nước Pháp- nơi có các tướng lĩnh bị ông đánh bại trong một cuộc chiến lẫy lừng. Điều này hiếm khi xảy ra ngay cả với những tướng lĩnh quân sự hàng đầu thế giới và cho thấy dấu ấn rất lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng chí Điện Biên Phủ
Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng đặc biệt hơn nếu biết rằng, ông không hề có kinh nghiệm trận mạc khi đứng ra thành lập lực lượng Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) vào năm 1944 với biên chế chỉ 3 tiểu đội cùng 2 súng thập, 17 khẩu súng trường và 14 mã tấu.
Trước đó, Đại tướng là một thầy giáo dạy Sử đặc biệt quan tâm đến lịch sử quân sự thế giới. Ông rất đam mê và hiểu rõ về các trận đánh nổi tiếng của các tướng lĩnh hàng đầu thế giới, trong đó có Napoleon Bonaparte.
Sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử quân sự thế giới đã giúp Đại tướng vạch ra những chiến lược quân sự đúng đắn, phù hợp với lực lượng quân đội còn giản đơn trong những ngày đầu cách mạng để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác buộc quân Pháp phải co cụm tại cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến lược này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa quan điểm quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tài tình trong phương pháp “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại”.
Giới phân tích quân sự phương Tây cũng hết sức thán phục nhãn quan chiến lược “cực kỳ thực tế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” khi ông quyết định thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” ở vào thời điểm then chốt của Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm thay đổi cục diện chiến trường, mang lại thắng lợi cho quân đội ta.
Dù vậy, vẫn có những bại tướng dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra những lý lẽ khó chấp nhận để bao biện cho thất bại “khó nuốt trôi của họ”. Một trong số đó là Tướng Mỹ William Westmoreland. Tướng Westmoreland cho rằng, sở dĩ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể giành nhiều thắng lợi đến vậy là vì ông “sẵn sàng hy sinh một số lượng lớn binh sĩ của mình". Cũng theo Tướng Westmoreland, “nếu là một tướng lĩnh Mỹ, ông Giáp khó có thể trụ được vị trí của mình trong vòng 1 tuần”.
Tuy nhiên, quan điểm này bị chính các học giả về quân sự phương Tây thẳng thắn bác bỏ. Theo sử gia quân sự hàng đầu thế giới người Israel Martin van Creveld, ngay cả khi không tính đến sự chênh lệch quá lớn về phương tiện vũ khí được sử dụng trong chiến tranh, những tổn thất mà quân đội Việt Nam phải hứng chịu trong các cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kể cả những chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Tổng chỉ huy cũng hoàn toàn chấp nhận được.
Một số chuyên gia quân sự khác lại trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Mỹ để “đập lại” tướng Westmoreland: “Độc lập không bao giờ tự nhiên đến”.
Như vậy, có thể thấy, thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm lên chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, một chiến thắng không chỉ làm nức lòng nhân dân các nước thuộc địa trên thế giới mà còn cả những nước đế quốc, thực dân sừng sỏ thời bấy giờ.
Giới phân tích quân sự quốc tế dù còn những tranh cãi về một số quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một số thời điểm nhất định của chiến dịch vẫn nhất chí cho rằng, thiên tài của ông chính là việc ông hiểu rõ kẻ thù của mình là ai, lợi thế của chúng là gì, làm thế nào để khiến chúng mất đi lợi thế đó.
Họ cũng nhất trí cho rằng, bằng việc “đánh bại những thiên tài quân sự giỏi nhất trong chính trận chiến do họ sắp đặt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn toàn xứng đáng được gọi là Đồng chí Điện Biên Phủ”./.