(Baonghean.vn)- Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi 'tỉnh đã xử lý được bao nhiêu công chức có sự hách dịch, sách nhiễu dân, thực hiện không tốt cải cách hành chính' và tự trả lời: 'Chúng ta chưa xử lý được ai cả'.
Lo lắng về chỉ tiêu nhiệm kỳ
Tham gia thảo luận tại tổ 1, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh và là đại biểu khách mời tại kỳ họp nêu chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 -2020 là 11% và đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 70 -75 triệu đồng, thu ngân sách đạt 25.000 -30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các chỉ tiêu tương ứng đều đạt thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra, năm 2018, chỉ tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%; thu nhập bình quân đầu người 35 -36 triệu và thu ngân sách 12.691 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ lo lắng: Với tốc độ này, 3 vấn đề lớn của tỉnh ta trong nhiệm kỳ 2015 -2020 sẽ không đạt được và đề nghị cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm do đặt chỉ tiêu quá cao hay chưa quyết tâm vì trong năm 2017 một số khoản thu đạt thấp so với chỉ tiêu.
“Đây là 3 vấn đề đề nghị HĐND tỉnh tập trung thảo luận nếu không chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVIII sẽ không hoàn thành” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.
Clip Đại tá Nguyễn Hữu Cầu phát biểu về công tác CCHC
Trong đánh giá về kinh tế - xã hội tỉnh năm 2017, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nêu ra tồn tại cần tập trung điều hành quyết liệt hơn, trong đó có công tác cải cách hành chính (CCHC).
Nêu thực trạng vẫn còn tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, có cán bộ còn bị người dân kêu ca, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đặt câu hỏi tỉnh đã xử lý được bao nhiêu công chức có sự hách dịch, sách nhiễu dân, thực hiện không tốt CCHC?
“Chúng ta chưa xử lý được ai cả. Cuối năm, chúng ta đều bình bầu các đơn vị hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc cả” – đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói; đồng thời nhấn mạnh nếu không quyết liệt trong công tác CCCH thì đây là rào cản rất lớn trong thu hút đầu tư phát triển, và thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.
Tăng cường đầu tư cho huyện nghèo
Quế Phong, Kỳ Sơn là 2 trong 3 huyện 30a của tỉnh và huyện Quỳ Châu cũng là huyện nghèo vùng cao, do đó thảo luận tại tổ các đại biểu tập trung thảo luận các ý kiến để tháo gỡ khó khăn cho vùng cao.
Đại biểu Vi Hòe – Bí thư Huyện uỷ Kỳ Sơn cho rằng, cần có cơ chế lồng ghép các chương trình, đề án triển khai trên địa bàn để tránh chồng chéo nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn; đồng thời cần triển khai tiếp việc kéo điện vào các bản sau khi đã kéo điện vào xã.
“Kỳ Sơn còn gần 100 bản chưa có điện, đề nghị tỉnh kiến nghị, phối hợp các ngành chức năng cấp điện đảm bảo theo lộ trình 2015 -2020” – đại biểu Vi Hòe nói.
Còn đại biểu Lang Văn Chiến – Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu đặt vấn đề: Chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của các huyện nghèo vào khoảng 6 -7%. Tuy nhiên nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo chưa được nhiều, các cơ chế, chính sách "có cái cắt, có cái giảm, có cái ban hành nhưng không thực thi được".
Trong khi đó, theo đại biểu Chiến, ảnh hưởng của thiên tai ngày càng phức tạp dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Do đó, Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu đề nghị cần có chính sách tăng cường đầu tư cho cộng đồng và hỗ trợ các huyện nghèo để công tác giảm nghèo đảm bảo chỉ tiêu và bền vững.
Còn Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong Lưu Văn Hùng đánh giá, việc phân bổ nguồn vốn theo Chương trình 135 và 30a còn chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giảm nghèo.
“HĐND tỉnh chuẩn bị thông qua Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tôi đề nghị phân bổ từ đầu năm hoặc phân cấp cho huyện để chủ động nhằm đảm bảo hiệu quả chương trình” - đại biểu Hùng nói.
Cũng liên quan công tác phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây, các đại biểu cũng đề nghị đẩy nhanh việc bàn giao đất lâm trường đã xác định trả về địa phương để cấp cho nhân dân có tư liệu sản xuất; đồng thời có giải pháp hỗ trợ hoặc cho các địa phương vay kinh phí làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho nhân dân.
Nóng ruột vì hệ lụy của thủy điện ở vùng caoMột vấn đề được các đại biểu đề cập chính là việc xây dựng nhiều thuỷ điện ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết thông qua tiếp xúc cử tri, ông nhận được nhiều phản ánh của người dân về hệ luỵ của thuỷ điện. Do đó, Công an tỉnh đã có cuộc điều tra, khảo sát và có kiến nghị không nên xây dựng nhiều thuỷ điện ở miền núi vì người dân được thụ hưởng từ các thuỷ điện hầu như không có trong khi họ phải hy sinh nhiều cả về nhà cửa, ruộng vườn.... “Đại biểu HĐND tỉnh cần có một tiếng nói chung để bảo vệ vùng đất, chỗ ở cho đồng bào; để giữ cho yên dân, giữ được bờ phên dậu Tổ quốc, giữ cho được rừng, được đất ở đó; đừng để đồng bào kêu mãi thấy rất nóng ruột” – Giám đốc Công an tỉnh trăn trở. Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong cho biết trên địa bàn huyện hiện có 11 thuỷ điện. Tuy nhiên, những tác động hiệu quả trở lại của thuỷ điện cho người dân chưa được nhiều, trong khi cả hai nhiệm kỳ Quế Phong đang tập giải quyết vấn đề tái định cư thuỷ điện Hủa Na. “Đến giờ phút này ổn định đời sống người dân tái định cư khó khăn” – đại biểu Thi cho biết; đồng thời đề nghị tỉnh nên có cơ chế đặc thù cho các địa phương có nhà máy thuỷ điện, ví như trích lại một tỷ lệ ngân sách của thuỷ điện cho huyện. |
Thành Duy