Mở đầu cuộc họp chiều nay, các đại biểu nghe Sở Nội vụ báo cáo Đề án Cải cách hành chính năm 2018 cho các đơn vị điểm thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, có 7 đơn vị được chọn thực hiện cải cách hành chính điểm gồm: Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Văn phòng UBND tỉnh và UBND thành phố Vinh.
Đề án đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, đề án của các đơn vị xây dựng cơ bản đã bám sát đề cương mẫu do UBND tỉnh ban hành kể cả về bố cục cũng như nội dung. Tuy nhiên, Sở Nội vụ đề nghị các đơn vị tập trung làm rõ những tồn tại hạn chế về các nội dung: Ban hành văn bản về tiến độ (% chậm); rà soát công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý ở các cấp; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; kết quả xử lý hồ sơ (trước hẹn, đúng hẹn, chậm); tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng về cung cấp dịch vụ hành chính công của cơ quan...
Trên nóng, dưới lạnh
Nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng cải cách thủ tục hành chính là quan trọng nhất. Thủ tục hành chính được cải cách phản ánh chất lượng công việc người đứng đầu, chuyên viên giúp việc, góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Việc xây dựng đề án là trách nhiệm của cơ quan đơn vị mình nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn được giao vì thế tránh hình thức; đề án cần gọn, thiết thực, tránh dàn trải không cần thiết.
"Có 2 nội dung quan trọng nhất trong cải cách hành chính là thủ tục hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Do đó cần đánh giá rõ ách tắc nhất hiện nay là gì?" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Cùng chung ý tưởng tập trung giải pháp xử lý điểm nghẽn, Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: Có 3 điểm nghẽn mà hầu hết các đơn vị chưa làm rõ. Thứ nhất là: chưa tập trung giải quyết bất cập “trên nóng, dưới lạnh” tồn tại lâu nay ở các sở, ngành. Vậy quản lý kiểm soát như thế nào? Sở Nội vụ cần tìm ra điểm nghẽn để có giải pháp xử lý.
Thứ hai, mong muốn của người dân là giảm thủ tục, giảm thời gian và thông suốt nhưng ít cơ quan thực hiện, chỉ có Sở KHĐT đánh giá, thống kê cụ thể mục tiêu này.
Điểm nghẽn thứ ba, người đứng đầu cơ quan công an cho rằng vấn đề kỷ luật công vụ công chức chưa rạch ròi. Có khen và cũng phải có kỷ luật thì mới cải cách hành chính hiệu quả.
Cải cách hành chính: "Giảm" nhưng chưa "tinh"
Cho rằng để cải cách hành chính, bên cạnh giảm nhẹ bộ máy, tinh giản biên chế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ nhấn mạnh, cần chú trọng chất lượng đội ngũ cán bộ. Để cải cách hành chính, quan trọng nhất là con người, người đứng đầu và bộ máy thực thi. Đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh xử lý vấn đề con người về lâu dài, vì hiện nay một số sở, ngành mới chỉ tập trung “giảm” chứ chưa “tinh”.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, kết luận về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho rằng, việc cải cách hành chính không chỉ dừng lại ở 7 đơn vị làm mẫu mà ở tất cả các đơn vị sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện đề án, đề nghị các chủ đề án tiếp thu các ý kiến hoàn thiện đề án của mình. Người đứng đầu phải nắm được toàn bộ công việc của mình để kiểm tra, đôn đốc; Cần có hình thức kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thủ trưởng các cơ quan phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, kiểm tra đánh giá được toàn bộ công việc và cán bộ của mình.
Nghệ An: Phấn đấu rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Đề nghị kiểm điểm các địa phương để xảy ra pháo nổ dịp Tết