Đến dự và chỉ đạo đại hội có đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Phúc Hợp - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh.
Dự đại hội còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, thị xã Cửa Lò và 268 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 12.000 đảng viên thuộc 82 tổ chức Đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Yên Thành.
Trước đó, vào chiều 17/5, tại phiên thứ nhất, Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Đồng thời, thông qua chương trình, nội quy đại hội, phổ biến quy chế bầu cử trong Đảng; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Báo cáo Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII.
Bước vào phiên thứ 2, đại hội nghe đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trình bày tóm tắt Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Thành khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015-2020
Báo cáo nêu rõ, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVI, Yên Thành đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Kinh tế phát triển nhanh và chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 9,50%. Trong đó: Ngành Nông - Lâm - Thủy sản tăng 3,90%; Công nghiệp – Xây dựng tăng 13,65%; Dịch vụ tăng 14,55%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47,515 triệu đồng, tăng 182% so với năm 2015.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 1.591 tỷ đồng, tăng trong kỳ là 1.400 tỷ đồng, trung bình hàng năm tăng 12,2%, đạt kế hoạch đề ra và tăng 1,8 lần so với tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015.
Yên Thành đã từng bước phát huy thế mạnh của huyện nông nghiệp; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phá thế độc canh; nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và các giống mới được đưa vào sản xuất, tạo ra năng suất, giá trị gia tăng cao.
Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2019 đạt gần 7.000 tỷ đồng. Kết quả, đến năm 2019 có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu đại hội (27 – 29 xã), tăng 25 xã so với năm 2015. Đặc biệt, ngày 16/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524/QĐ-TTg, công nhận huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Công tác cải cách hành chính; thi đua khen thưởng; khoa học – công nghệ; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ.
Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; phát huy được sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội.
Bí thư Huyện ủy Yên Thành cũng đã trình bày phương hướng, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, trong đó, mục tiêu tổng quát là xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết và kỷ cương; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; tận dụng tốt thời cơ gắn với huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu phù hợp, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đưa huyện Yên Thành phát triển nhanh và bền vững.
Đại hội cũng đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 -2020 trên các lĩnh vực như: thực hiện các nhiệm vụ chính trị; phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Kiểm điểm vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc.
Từ các ưu, khuyết điểm, nguyên nhân đã rút ra 6 bài học kinh nghiệm như: Xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; huy động sức mạnh trí tuệ tập thể, đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ phù hợp với thực tiễn hoạt động; phải bám sát cơ sở, ngành, lĩnh vực, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời chỉ đạo xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở;…
Tại Đại hội, các đại biểu đã được nghe 6 tham luận, tập trung vào các vấn đề: Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ cao; Công táctuyên truyền, giáo dục trong xây dựng nông thôn mới;Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo; Bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thành; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo hiểm xã hội toàn dân và vai trò của đoàn viên, thanh niên trong nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ý kiến tham luận của đại biểu Nguyễn Văn Dương - Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện: "Báo cáo Chính trị Đại hội nêu rõ, nhiệm kỳ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp phấn đấu đạt 3 - 4%, đến năm 2025 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 30-32% cơ cấu, có 6-8% diện tích sản xuất được ứng dụng công nghệ cao.
Để đạt mục tiêu trên, phải tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của các cấp, chính quyền, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện công tác quy hoạch, sử dụng đất, vận động nhân dân tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn. Đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết bền vững, xây dựng thương hiệu hàng hóa”.
Đại biểu Thái Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục có vai trò đi trước, từ đó tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cần phải phát huy vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục; phải theo sát quá trình xây dựng ở cơ sở, nêu những cách làm hay, tuyên dương những cá nhân điển hình nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa. Nâng cao vai trò nòng cốt của tuyên truyền miệng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên. Tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân, doanh nghiệp, HXT, trang trại để người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.