(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với bác Hồ Phức - 87 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, quê xã Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu).
images1372942_d_ng_ch__h__ph_c.jpgPhóng viên Báo Nghệ An với ông Hồ Phức
- Xin chào bác! Những câu chuyện về những năm tháng đấu tranh oanh liệt của dân tộc giành độc lập luôn có sức hút đối với các thế hệ mai sau; bác có thể kể những hồi ức về thời điểm đến với cách mạng?
 
- Cha tôi mất hồi tôi 5 tuổi, nhưng tôi được ông nội và mẹ tôi cho tôi ăn học chữ Quốc ngữ, đỗ yếu lược. Lúc này bác tôi làm thủ dịch xóm, lúc bấy giờ cán bộ hoạt động bí mật là đồng chí Trần Phiêu thường qua lại nhà bác tôi. Vào tháng 4/1942 tôi cùng bác tôi theo đường bãi Hồi, lách được qua sự giám sát chặt chẽ của bọn cường hào, đưa 2 cán bộ là đồng chí Phiêu và 1 người nữa qua truông Yên Hòa an toàn, trở về chiến khu Thanh Hóa. Đó là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là hoạt động cách mạng. Đầu năm 1945, tôi được giao làm tổ trưởng an ninh xóm Đa, sau đó là đội trưởng đội tự vệ đỏ làm nhiệm vụ bí mật bảo vệ cơ quan Việt Minh xã, bảo vệ Đội tuyên truyền Việt Minh huyện về họp để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa... 
 
- Được biết, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, bác tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với quê hương Quỳnh Lập; rồi sau đó tham gia đội giảm tô ở Thanh Hóa, Quảng Bình?
 
- Giai đoạn ấy tôi tham gia vận động ủng hộ kháng chiến, ủng hộ tiền tuyến tại địa phương. Tôi nhớ nhất là cuộc vận động toàn dân mua công trái kháng chiến, với mức huyện giao 700 tạ thóc. Một xã nông - ngư - nghiệp nghèo, thì đây quả là một nhiệm vụ nặng nề, chúng tôi bàn bạc với nhau cơ bản là phải vận động được các nhà phú hữu. Cuộc vận động trước dân chúng đã thành công ngoài mong đợi. Các thôn xóm, các gia đình phú hữu thi đua nhau nộp thóc người 20, 50kg, một số người khá giả thì lên đến 500 - 700 kg. Do đó xã đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huyện giao, là xã đứng đầu huyện, được tặng cờ thi đua và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh… Sau đó tôi tham gia đội giảm tô đợt 2 ở Thanh Hóa đến đợt 8 xã Phong Thủy - Quảng Bình giúp nông dân đấu tranh đem lại quyền làm chủ cho họ; sau vận động, bộ mặt nông thôn được đổi mới, mức sống của nông dân, đặc biệt là bần cố nông được cải thiện một bước, chuẩn bị cho cuộc vận động cải cách ruộng đất được triệt để...
 
- Thật là những năm tháng sôi động trong hào khí cách mạng chung; và xin hỏi thêm về kỷ niệm sâu sắc của bác lần được tháp tùng Bác Hồ khi Người thăm Nhà máy điện Vinh vào năm 1957?...
 
- Từ đội giảm tô xã Phong Thủy ở Quảng Bình tôi được Khu ủy 4 điều về ngành Xây dựng. Trải qua 30 năm hoạt động thuộc Bộ xây dựng và tỉnh, thì có 17 năm tôi tham gia xây dựng và bảo vệ nguồn điện và chuyển tải điện về phục vụ nông thôn, mở đầu từ xây dựng Nhà máy điện Vinh. Những năm tháng ấy tôi đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Vào ngày 14/5/1957, Bác Hồ về thăm công trường nhà máy, ân cần thăm hỏi công nhân, chuyên gia Liên Xô; nhắc nhở công nhân ta phải đoàn kết học hỏi bạn, xây dựng nhà máy chất lượng an toàn và nhanh nhất... Lúc đó tôi được đứng bên cạnh Bác, vừa tự hào, vừa hồi hộp. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đứng cạnh sợ tôi hồi hộp quá mà quên mất lời Bác dặn, nên đã bấm vào tay và dặn tôi nhớ kỹ lời Bác để về trao đổi lại với anh em mà cùng thực hiện...
 
- Sau này khi được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Nhà máy điện Vinh, Trưởng Ban Xây dựng của tỉnh, bác là người đã có công lớn đưa dòng điện 220KV về phục vụ nhu cầu kháng chiến và phục vụ nông nghiệp. Vậy bác có thể chia sẻ thêm về thời kỳ hoạt động góp phần vào công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương?
 
- Tôi xin chia sẻ một điều rằng, sau bao nhiêu năm được sự bồi dưỡng của Đảng, qua các thời kỳ, trên nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng tôi luôn tâm nguyện: nếu không biết lấy lợi ích tập thể đặt trên lợi ích cá nhân thì không thể làm được việc gì, cũng không có công trình hay dự án nào được hoàn thành. Chúng ta muốn hoàn thành việc lớn thì phải biết đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết!
 
- Xin trân trọng cảm ơn bác về cuộc trò chuyện này!
 
Thanh Nga
(Thực hiện)