Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đưa tàu thuyền, thiết bị cơ giới hiện đại rầm rộ cải tạo, xây dựng trái phép đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của VN, sau khi cưỡng chiếm đầu năm 1988.
tq01_aczu.jpg?width=500Tàu vận tải khủng với 4 hệ thống cần cẩu

Ký ức không thể quên

Đại tá Hoàng Ngọc Thái, Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng - Công tác Chính trị - Học viện Hải quân, còn nhớ như in thời điểm đầu năm 1988. Khi ấy, ông đeo cấp hàm đại úy, giảng viên Khoa Xã hội học, được Quân chủng Hải quân điều động tham gia chiến dịch CQ-88 đóng giữ các đảo chìm ngoài Trường Sa, cùng hàng trăm cán bộ - học viên của học viện. “Sáng 18.2.1988, từ tàu HQ-614, 9 cán bộ chiến sĩ của Học viện Hải quân đổ bộ lên Châu Viên, mang theo quốc kỳ, vũ khí cá nhân, dụng cụ để cắm cờ và thăm dò độ sâu, chuẩn bị làm nhà. Cắm xong cờ, nhưng gió mùa đông bắc thổi mạnh, nước lớn, tàu bị trôi neo và nước triều ngập đến cổ nên dù trời tối, tàu vẫn phải nổ máy chạy quanh bãi, đưa anh em ra. Nửa đêm, quân chủng ra lệnh sáng mai phải lên được Châu Viên. Tuy nhiên, 4 tàu chiến Trung Quốc chặn đường, quay pháo đe dọa, khiến mình không vào được và Trung Quốc thả bia lên bãi”, đại tá Thái nhớ lại.
 
Là chỉ huy của đoàn công tác đi trên tàu HQ-614 thời điểm ấy, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân (nay là Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), rành mạch: “Chủ trương của ta là đóng giữ các bãi lớn, có vị trí quan trọng trước, sau mới triển khai ra các bãi nhỏ hơn. Xu Bi hồi ấy không thể bằng Châu Viên, Chữ Thập, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lớn nên ta chỉ thực hiện trinh sát, đánh dấu, chuẩn bị cho việc đóng giữ sau đó”. Nhưng từ khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2.1988, Trung Quốc cho quân chiếm giữ trái phép Xu Bi, sau đó là nhiều bãi đá khác. “Khi phía Trung Quốc chiếm giữ trái phép, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc sau này họ huy động phương tiện hiện đại nạo vét hồ trong bãi để làm cảng nước sâu, neo đậu cả tuần dương hạm, tạo thế áp đảo với các quốc gia cũng chiếm đóng bãi đá xung quanh”, đại tá Dân nói.
 
“Đại công trường” trái phép của Trung Quốc ở đá Xu Bi
“Đại công trường” trái phép của Trung Quốc ở đá Xu Bi
“Đại công trường” trái phép của Trung Quốc ở đá Xu Bi
“Đại công trường” trái phép của Trung Quốc ở đá Xu Bi

Cần trục và pháo hạm

Các ngư dân ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) quen thuộc ngư trường Trường Sa từ nhiều năm nay cho biết, trong số các bãi đá Trung Quốc cưỡng chiếm của VN và đang rầm rộ xây dựng trái phép từ đầu năm 2014 đến nay, Xu Bi là một trong 3 điểm (Xu Bi, Chữ Thập, Châu Viên) được tập trung nạo vét lòng hồ bên trong và xây dựng thành âu tàu kín, neo đậu - dịch vụ hậu cần cho các tàu lớn.
 
Đá Xu Bi nằm giữa hải trình của các tàu Hải quân VN di chuyển từ đảo Song Tử Tây xuống đảo Đá Thị, cách Song Tử Tây khoảng 35 hải lý và Đá Thị 40 hải lý. Giữa tháng 5.2015, trong chuyến ra Trường Sa, tàu của chúng tôi tiếp cận gần đá Xu Bi, thấy xung quanh bãi được kè bằng những tấm bê tông chắn sóng; cửa luồng vào lòng hồ nằm ở phía đông, trong có 4 tàu nạo vét lớn dùng hệ thống hút chuyên dụng, đẩy cát đá dưới lòng hồ lên bãi bằng các đường ống đường kính gần 2 m; bên cạnh 3 hệ thống cẩu cố định - di động trên đảo là các cẩu cỡ nhỏ, cùng hàng chục máy xúc phục vụ hàng đoàn xe tải chạy như con thoi. Phía bắc của bãi Xu Bi tập trung gần 10 tàu vận tải cỡ lớn, tàu kéo và cả tàu hàng khổng lồ mang 4 cần trục cỡ lớn...
 
Một sĩ quan trên tàu cho biết 2 đầu nam và bắc của bãi Xu Bi, phía Trung Quốc neo 2 tàu sắt bảo vệ vòng ngoài, đêm bật đèn sáng trưng cảnh giới. Khi phát hiện tàu VN tiếp cận, Trung Quốc cho tàu vận tải đổ bộ 996 gắn 6 khẩu pháo 37 mm lao ra đẩy đuổi. Chiều 10.5, khi một tàu VN vào cách Xu Bi khoảng 7 km (3,7 hải lý) thì tàu 996 Trung Quốc lập tức lao ra đe dọa.
 
Với tiến độ ồ ạt, quy mô xây dựng lớn cùng việc bố trí tàu vận tải đổ bộ (sức chở 250 binh sĩ, 10 xe tăng, 4 xuồng đổ bộ LCVP) với pháo hạm dày đặc trên boong, Trung Quốc rõ ràng không cải tạo những bãi đá này để “thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ quốc tế trong tìm kiếm, cứu nạn và các dịch vụ cộng đồng khác” như nhà cầm quyền nước này ngụy biện.
Đá Xu Bi (còn gọi là Subi) là rạn san hô nằm trong cụm đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của VN, có nguyên bản hình dạng như viên kim cương với trục dài nằm theo hướng đông - đông bắc, chiều dài khoảng 6,8 km và trục ngắn 5 km.
 
Ngay sau khi chiếm Xu Bi, Trung Quốc đã gấp rút xây dựng căn cứ quân sự với nhà ở tạm cho binh sĩ, công sự phòng thủ và từng bước nâng cấp - xây mới thành tòa nhà bê tông 3 tầng kiên cố đặt trên bệ xi măng cao 2m chắn sóng, có bến neo đậu xuồng cao tốc, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các tổ hợp súng phòng không. Đầu năm 2005, Trung Quốc tiếp tục xây dựng hải đăng tại Xu Bi và đến tháng 5.2012 xây thêm tòa nhà kiên cố cao 4 tầng, phía trên đặt vòm che ra đa cùng bãi đáp trực thăng.
 
Từ đầu 2014, Trung Quốc duy trì 3 - 4 tàu nạo vét cỡ lớn để thông luồng, làm sâu lòng hồ cho các tàu lớn ra vào và mở rộng kích thước, xây dựng các công trình trên đó.

Theo Thanh niên