Ngày 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia.
Thảo luận nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về kết quả 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng: việc triển khai chương trình là chủ trương hợp lòng dân, sát đúng với yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, về cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
"Với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, Trung ương và sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân đã giúp cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thực sự thành công, có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc trên các lĩnh vực" - đại biểu Trần Văn Mão nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão vẫn còn những hạn chế tồn tại đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, bộ ngành và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số địa phương trong thời kỳ đầu chưa quyết liệt, sự vào cuộc thực sự để thực hiện chương trình còn chậm; ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với nhu cầu thực tế.
“Việc lồng ghép các chương trình dự án khác để thực hiện chương trình nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; công tác quy hoạch nhìn chung đã được quan tâm nhưng chất lượng quản lý quy hoạch chưa cao, một số địa phương vẫn còn nợ xây dựng cơ bản của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dẫn đến còn lúng túng trong phân bổ nguồn lực trả nợ” - đại biểu Trần Văn Mão phản ánh.
Công tác thẩm định công nhận xã đạt chuẩn có nơi còn nể nang, gượng ép; một số tiêu chí hoàn thành nhưng ở mức độ còn thấp, tính bền vững chưa cao như văn hóa, giáo dục, hộ nghèo, y tế, môi trường...
Mặc dù đạt và vượt mục tiêu đề ra nhưng còn có sự chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền (đồng bằng bình quân 65%; miền núi 25% số xã đạt chuẩn) 222 xã đặc biệt khó khăn.
Đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong các tồn tại, hạn chế nêu trên trong đó chủ yếu do chúng ta triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn suy thoái kinh tế; khủng hoảng kinh tế thế giới và trong nước; đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ tàn phá nặng nề.
Trong khi đó, Bộ tiêu chí quốc gia còn nhiều bất cập; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chậm phát huy hiệu quả; công tác vận động, tuyên truyền một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa đi vào chiều sâu; còn có tư tưởng trông chờ thụ động vào hỗ trợ của nguồn ngân sách nhà nước.
Từ những kết quả, tồn tại, hạn chế qua nhiều năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Văn Mão kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy chính quyền các cấp trong thời gian tới triển khai một số giải pháp tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả.
Cụ thể, các cấp, ngành cần hướng dẫn việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, các dự án khác để góp phần xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn cụ thể về huy động nguồn lực trong nhân dân để tránh huy động quá sức dân, đặc biệt là giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Đi cùng với đó là cần có cơ chế chính sách cụ thể để gắn đào tạo nghề trong lao động nông thôn; hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; có cơ chế đặc thù đối với huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Chính phủnâng mức hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; hỗ trợ của Trung ương cho tỉnh chưa tự cân đối được nguồn ngân sách; tiếp tục rà soát điều chỉnh các tiêu chí, mục tiêu, phân cấp cho địa phương đảm bảo tính đặc thù, tình hình thực tế địa phương; bố trí nguồn lực theo hướng ưu tiên tiêu chí nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Đồng thời chỉ đạo các địa phương lập các dự án, kế hoạch triển khai, xác định lộ trình, bước đi thích hợp, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Coi trọng, ưu tiên chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với tái cơ cấu kinh tế.
Thực hiện công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực đầu tư của Trung ương đúng quy định; sát thực tế, linh hoạt, phù hợp tạo động lực thúc đẩy các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.