Kiểm toán để đánh giá tính tuân thủ pháp luật trong quản lý, bảo vệ môi trường
Sáng 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến nội dung dự thảo Luật Bảo vệ môi trường(sửa đổi).
Trình bày báo cáo những vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc căn cứ quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường nói chung là phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh sửa Dự thảo Luật theo 2 phương án, đồng thời các điều luật liên quan tương ứng cũng được chỉnh sửa theo.
Góp ý vào dự thảo Luật, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ Anphản ánh vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, thống nhất giữa dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với các Luật, quy định của các ngành, lĩnh vực liên quan như: Luật Đầu tư ban hành năm 2020, Luật Chăn nuôi năm 2018, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đang tiến hành sửa đổi tại kỳ họp này.
Do vậy, ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định một cách đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các bộ luật liên quan.
Liên quan đến thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Khoản 3, Điều 36, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An lựa chọn phương án 2 và cho rằng phương án này là hợp lý, không giao thêm chuyên ngành thẩm định cho các bộ quản lý công trình xây dựng (đơn vị chủ đầu tư), mà trong quá trình thẩm định có sự tham gia, phối hợp của bộ quản lý công trình xây dựng.
Vì nếu như thế bộ quản lý công trình xây dựng vừa là cơ quan quyết định đầu tư, vừa là cơ quan thẩm định tác động môi trường. Điều này sẽ không khách quan. Nếu giao cho UBND tỉnh thẩm định sẽ nắm rõ mức độ tác động của dự án đến môi trường, kinh tế - xã hội của địa phương và thống nhất về thẩm quyền, trách nhiệm quản lý xuyên suốt tại địa phương.
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An đề nghị bổ sung quy định về điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tại Mục 4a về giấy phép môi trường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị lựa chọn phương án 2: Sử dụng song song giấy phép xả thải nước thải vào công trình thủy lợi và giấy phép môi trường đối với trường hợp xả nước thải vào công trình thủy lợi.
Đồng thời, Đoàn cũng đề nghị xem xét thời hạn cấp giấy phép, tránh trường hợp phải cấp lại mà nội dung không thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình về việc bổ sung nội dung “kiểm toán môi trường” tại Điều 75, Chương 6 về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường của dự thảo Luật.
Bởi vì, Kiểm toán Nhà nướcvới vai trò là cơ quan được kiểm định độc lập, có trách nhiệm kiểm toán môi trường để phục vụ Quốc hội, giám sát công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ môi trường giúp Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Đoàn đề xuất bổ sung nội dung kiểm toán môi trường bao gồm: kiểm toán tài chính, kiểm toán để đánh giá kinh tế, hiệu quả tính tuân thủ pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ môi trường.
Làm rõ vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc
Tại phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Đoàn Nghệ An) bày tỏ nhất trí với với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đại biểu góp ý về kỹ thuật từ ngữ; bổ sung thêm cụm từ “trang bị, vũ khí, phương tiện” ở Điều 1 - Phạm vi điều chỉnh bởi trong thực tế lực lượng gìn giữ hòa bình khi đi làm nhiệm vụ phải có trang bị, vũ khí, phương tiện đi cùng. Đồng thời đề nghị Nghị quyết nên có 1 điều hoặc một khoản: Giao cho cơ quan ngoại giao khu vực đó, người chỉ huy lực lượng thời điểm đó: Quyết định giải pháp an toàn cho lực lượng đó nhanh nhất; làm rõ thêm vị trí vai trò của các chủ thể.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng tiếp thu giải trình làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời yêu cầu cơ quan thẩm tra, soạn thảo tiếp thu đầy đủ, tổng hợp hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp lần này.