bna_toan_canh_buoi_thao_luan7165186_1062020.jpgSáng 10/6, các đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An, Quảng Ninh và Hậu Giang tham gia thảo luận tổ về nội dung: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Vi phạm hành chính, và dự án Luật Thỏa thuận Quốc tế. Ảnh: PV

Tham gia ý kiến vào dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng,người Việt Nam lao động ở nước ngoài đã giúp xóa đói, giảm nghèo, nhiều địa phương xây dựng nông thôn mới, song theo đại biểu Hiền, thực tiễn còn nhiều bất cập. Đặc biệt là tình trạng lừa đảo, cò mồi, quản lý chưa tốt người Việt Nam lao động ở nước ngoài, vẫn còn tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật, bỏ trốn, không về… khiến một số nước không tiếp nhận lao động của nhiều địa phương như Hàn Quốc.

Theo ông Hiền, ba chủ thể cần được lưu ý khi sửa đổi luật là cơ quan quản lý nhà nước, vai trò của doanh nghiệp và lao động trên cơ sở làm tốt, minh bạch công khai các quy định cụ thể, bảo vệ và quản lý tốt được người lao động.

Bên cạnh lao động có hợp đồng, cần có những quy định trong luật đối với lao động tự do di chuyển làm việc trong ASEAN không có hợp đồng. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: PV

Nhấn mạnh chính sách hỗ trợ cho người lao động không chỉ là đào tạo bồi dưỡng trước khi đi lao động, ông Hiền cho rằng cần quan tâm tới cả việc người lao động sau khi về nước, trong đó có việc xây dựng cơ sở dữ liệu lao động làm việc tại các thị trường, chuyên ngành đào tạo, công nhận tay nghề để khi người lao động đi về có tư vấn. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thì cần có cơ chế tín dụng hỗ trợ.

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An quan tâm đến nội dung nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.Mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm 2, khoản 1, Điều 1 của dự thảo luật. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và đối chiếu với điểm b, khoản 1, Điều 10, Luật hiện hành và thực tiễn áp dụng thì việc sửa đổi lần này vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa giải quyết được mâu thuẫn về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, Điều 3 của Luật XLVPHC và quy định về “tình tiết tăng nặng” tại điểm b, khoản 1, Điều 10.

Cụ thể đó là: “Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm”; nghĩa là, cùng một hành vi vi phạm mà hành vi này xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau, nhưng chưa bị phát hiện, đến khi bị bắt quả tang hành vi vi phạm cùng với tang vật, phát hiện ra hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt 1 lần và áp dụng tình tiết tăng nặng; trong khi đó, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Luật quy định:“Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần”.

Như vậy, với trường hợp vi phạm nhiều lần tại nhiều thời điểm khác nhau, thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10 hay xử phạt hành vi vi phạm theo từng thời điểm xảy ra hành vi vi phạm theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3, chính sự quy định thiếu rõ ràng trên dẫn đến việc các cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt lúng túng khi áp dụng điều luật.