Sáp nhập xã - Luật cần quy định rõ thế nào đặc thù
Tham gia thảo luận về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang nêu: HĐND các tỉnh hoạt động rất sôi động, xử lý nhiều vấn đề phát sinh, vì thế không phải lúc nào cũng thuận tiện để tổ chức kỳ họp HĐND. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu giao cho Thường trực HĐND giải quyết một số vấn đề giữa 2 kỳ họp để đảm bảo cho hoạt động điều hành, quản lý ở địa phương được thông suốt, kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn.
Theo Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những xã không đạt 2 tiêu chí về dân số và diện tích sẽ phải sáp nhập, trừ khi có yếu tố đặc thù.
Tại Điều 131, 132 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành quy định, đề án sáp nhập phải được hơn 50% cử tri đồng ý. Thực tiễn sẽ xảy ra trường hợp xã không đạt 2 tiêu chí, cấp ủy chính quyền tích cực vận động tuyên truyền nhưng số cử tri đồng tình không quá bán, nếu vậy xã sẽ không được sáp nhập. Đây là điều khiến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ không được thực hiện mà không có lý do thuyết phục. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định theo hướng: Đã là xã không đạt 2 tiêu chí thì buộc phải sáp nhập, trừ khi có yếu tố đặc thù. Tuy nhiên luật cũng cần quy định rõ trường hợp thế nào là đặc thù.
Xem xét kỹ việc giảm số lượng phó chủ tịch HĐND
Bên lề phiên họp, đại biểu Trần Văn Mão, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tỏ ra băn khoăn với hai nội dung thảo luận tại hội trường.
Luật Tổ chức CQĐP quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch HĐND nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Quy định này không làm tăng thêm biên chế ở địa phương so với trước đó, vì thực chất một biên chế được nâng từ chức danh “Ủy viên Thường trực” của HĐND lên Phó Chủ tịch theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003).
Đây là vấn đề đã được báo cáo và được sự đồng ý của Bộ chính trị khóa XI trước khi Quốc hội biểu quyết đưa vào luật hiện hành. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có tổng kết đánh giá tác động thật kỹ những mặt được, chưa được trước khi sửa đổi vì đổi mới, cải cách, sắp xếp, tinh giản phải đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương chứ không vì mục tiêu giảm biên chế, tổ chức nhằm vào HDNĐ các cấp.
Thứ hai, về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương. Chủ trương hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của UBTVQH. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập .Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc theo Nghị quyết của trung ương. Đồng thời, có các quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức của bộ máy Văn phòng để làm cơ sở khi thực hiện việc hợp nhất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các văn phòng.