Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 23/5, tại tổ 13, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước và dự thảo Luật Thư viện.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng, việc sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước là cần thiết, vì trong thời gian qua Kiểm toán Nhà nước đã góp phần thu lại ngân sách rất lớn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan này, đã xuất hiện những bất cập khó khăn do quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, nên việc đề xuất sửa đổi pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa của hoạt động kiểm toán trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị kiểm toán cần bổ sung 3 thẩm quyền cho Kiểm toán Nhà nước vào trong luật.
Một là, chức năng giám định tư pháp: Hoạt động giám định tài chính rất khó và lâu, vì trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đều phải tiến hành giám định. Tuy nhiên, cơ quan giám định làm rất chậm. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước có thể có đủ năng lực, điều kiện, trình độ để thực hiện các kết luận giám định. Do đó, bổ sung nội dung này sẽ tháo gỡ khó khăn cho cơ quan tố tụng, trong đó có cơ quan điều tra.
Hai là, bổ sung quyền khiếu nại các quyết định kiến nghị kiểm toán cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, để đảm bảo tính dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ba là,bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan kiểm toán. Vì khi phát hiện ra, kiểm toán kiến nghị và xác định sai phạm đã được thừa nhận, và có những cá nhân tổ chức không hợp tác thì vấn đề xử lý vi phạm hành chính của kiểm toán là tất yếu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đồng thời cho rằng trong các thẩm quyền cần bổ sung thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử phần mềm trợ giúp là cần thiết.
Cho ý kiến về Luật Thư viện, đại biểu Hiền đánh giá, qua 18 năm triển khai thực hiện pháp lệnh về Thư viện, tuy đạt được những kết quả nhưng vẫn còn nhiều bất cập, như về chính sách và tổ chức thực hiện thư viện.
Cũng theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị xã hội rất quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân phát triển văn hóa đọc và xã hội học tập.
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nếu Quốc hội giao, sẵn sàng nhận lĩnh vực giám định tư pháp
Tại buổi thảo luận, đại biểu Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng giải trình thêm một số ý kiến của các đại biểu, nhấn mạnh việc bổ sung vấn đề phòng, chống tham nhũng dẫn chiếu vào Luật Kiểm toán Nhà nước là nhằm tích hợp nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng vào Luật này, từ đó Tổng Kiểm toán Nhà nước hướng dẫn thi hành những nội dung này, áp dụng vào thực tiễn một cách chặt chẽ nhất.
Đại biểu Phớc nói thêm, cơ quan Kiểm toán Nhà nước nhận được rất nhiều đề nghị của công an, lãnh đạo Chính phủ về vấn đề giám định tư pháp.
“Luật Giám định tư pháp hiện nay chưa có kiểm toán. Tuy nhiên, chúng tôi xét về năng lực của cơ quan Kiểm toán Nhà nước thì thấy rằng việc này đề ra chúng tôi có thể đảm nhiệm được, bởi vì chúng tôi có lực lượng rất mạnh về tài chính, kế toán, quản lý đầu tư,... chúng tôi gần như là một cơ quan tổng hợp”.
“Nếu Quốc hội cho phép thì chúng tôi cử cán bộ đi học về giám định tư pháp và được cấp giấy chứng nhận thì khi đấy mới ban hành. Nếu Quốc hội giao thì chúng tôi sẵn sàng nhận”, người đứng đầu cơ quan này khẳng định.