(Baonghean.vn) - Đó là giải trình của đại biểu Hồ Đức Phớc liên quan đến vấn đề quản lý bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định 108 của Chính phủ và đề án vị trí, việc làm.
Chiều 27/4, tại Huyện ủy Nam Đàn, các đại biểu Quốc hội, gồm các ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và bà Đinh Thị Kiều Trinh, chuyên viên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có cuộc tiếp xúc đại cử tri của các cơ quan, đơn vị cấp huyện và các xã, thị trấn toàn huyện. |
Nêu bất cập trong thực hiện tinh giản biên chế, ông Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho rằng: Chủ trương tinh giản biên chế, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng đề án vị trí việc làm để xác định nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên theo Nghị định 108 của Chính phủ quy định “ra 2, vào 1”; nghĩa là không cần phải căn cứ vào vị trí việc làm.
Mặt khác, nếu quy định “ra 2, vào 1” thì có những vị trí chỉ bố trí 1 biên chế, khi cán bộ này nghỉ hưu thì không có biên chế; hoặc đối với đơn vị có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu, nếu áp dụng “ra 2, vào 1” thì bộ máy sẽ không có người làm việc. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ hoạch định về xây dựng vị trí việc làm và xác định biên chế cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, từ đó yêu cầu giảm biên chế.
Cử tri Nguyễn Xuân Lành - Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc, phản ánh: Hệ mầm non có 2 chức năng: vừa nuôi dưỡng, vừa chăm sóc, giảng dạy. Song hiện nay, đối với các trường mầm non mới chỉ có định biên giáo viên chứ chưa có đinh biên cô nuôi, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm bổ sung định biên cô nuôi cho các trường.
Cử tri Lành cũng nêu sự bất cập trong việc Quyết định số 22/2013 của Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công, quá trình triển khai thực hiện, đối tượng được thụ hưởng chính sách lớn, nhưng nguồn ngân sách cấp thì nhỏ giọt. Bởi vậy đề nghị Quốc hội, Chính phủ cân đối ngân sách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Cử tri cũng băn khoăn trước tình trạng các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tồn tại đang đặt ra như sự cố môi trường biển do Formosa để kích động một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an ninh. Cử tri cho rằng, dân chủ nhưng vẫn cần có giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để giữ kỷ cương, phép nước.
Nhiều cử tri cũng đề cập đến một số chính sách còn bất cập, như chế độ thâm niên cho giáo viên nghỉ hưu trước đây chưa được hưởng; chế độ cho hội viên Hội bị địch bắt thù đày hiện quá thấp, hành lang an toàn giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chưa được quan tâm chú trọng, đảm bảo khoảng cách theo quy định; thu xã hội hóa....
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến của cử tri phản ánh, kiến nghị, thay mặt các vị đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 4, đại biểu Hồ Đức Phớc đã trực tiếp giải trình nhiều vấn đề.
Liên quan đến định biên cô nuôi trong các trường mầm non, đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng, vấn đề này đã được Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Bộ Giáo dục - Đào tạo và được trả lời, đối với các trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, khung vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ có 4 vị trí: kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ để giảm nguồn cho ngân sách. Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội này, ý kiến này sẽ tiếp tục được Đoàn tiếp thu và kiến nghị.
Đại biểu Hồ Đức Phớc cũng đã giải trình ý kiến của cử tri cho rằng, hiện tại, ở một số vị trí, việc làm đang còn lãng phí quá nhiều thời gian, hiệu suất công việc không cao. Theo đại biểu Phớc, để quản lý cán bộ, công chức, viên chức có hiệu suất công việc cao, chất lượng tốt là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Yêu cầu đặt ra cho mỗi cơ quan, đơn vị là phải xây dựng vị trí, việc làm phù hợp, tránh người làm nhiều, người làm ít và “tham nhũng” về thời gian.
Đại biểu Hồ Đức Phớc cũng tiếp thu kiến nghị của cử tri liên quan đến đổi mới hoạt động của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng thời hứa sẽ tăng cường tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, phản ánh của cử tri nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở một cách kịp thời.
Mai Hoa