Chiều 12/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), một số đại biểu quan tâm đến quy định "căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam". 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sẽ tạo hình ảnh phản cảm, có nguy cơ phạm nhân bỏ trốn và sự lạm dụng của cán bộ quản lý trại.

052821-1.jpgTổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại tổ. Ảnh: Võ Hải

Ông Hồ Đức Phớc cũng đề nghị nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đề xuất của Tổng kiểm toán Nhà nước. Theo bà, đây là hướng nghiên cứu cần thiết, một số nước đã áp dụng gắn chip theo dõi phạm nhân được quản lý tại nhà.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề về xã hội cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định tiến bộ. Đơn cử như quy định về quyền của phạm nhân" được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan".

Tuy nhiên, ông Mai băn khoăn tính khả thi của quy định trên.  "Khi phạm nhân yêu cầu thực hiện một loạt các quyền không bị hạn chế, như việc giữ tinh trùng hay lấy trứng thì làm thế nào? Những điều này sẽ khó thực hiện nếu không có hướng dẫn cụ thể", ông Mai nói.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai ở Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội

Đề cập đến điều 27 dự thảo Luật, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu phạm nhân có một số quyền khác của công dân như hiến tinh trùng, hiến giác mạc, nội tạng..., song theo bà "nếu thực hiện thì sau khi hiến, điều kiện trong trại giam có đảm bảo để chăm sóc sức khỏe cho họ không?".

"Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn, học tập kinh nghiệm của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam chứ không nên đề ra những cái cao siêu nhưng thực tế thì không thực hiện được", nữ đại biểu TP HCM nói.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cũng cho rằng quy định của dự thảo Luật phải có bước đi phù hợp đảm bảo khả năng đáp ứng của Nhà nước. "Tôi thống nhất quy định phạm nhân được quyền hưởng các quyền khác của công dân, nhưng đề nghị ban soạn thảo viết lại cho chặt chẽ, để tránh khi luật có hiệu lực sẽ bị diễn dịch theo hướng khó cho công tác thi hành án hình sự và phòng, chống tội phạm", ông Tâm nêu quan điểm.

Sáng 19/11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).