Giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường thành cổ
Vấn đề được nhiều đại biểu nêu tại phiên thảo luận tổ là tình trạng ô nhiễm môi trường hào thành cổ Vinh đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, các đại biểu: Trần Hoàng Song (Chủ tịch UBND phường Đội Cung) và Đặng Quốc Lành (Chủ tịch HĐND phường Cửa Nam) còn phản ánh tình trạng bồi lắng đáy hào thành và sự phát triển quá mức của cây bèo tây trong lòng hào. Điều này gây ảnh hưởng đến dòng chảy, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây nguy cơ ngập úng cho thành phố vào mùa mưa bão khi hệ thống thoát nước phía Nam thành phố bị tắc.
Các đại biểu đề nghị thành phố cần có kế hoạch nạo vét, khơi thông dòng chảy khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây.
Thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường tại hào thành cổ, ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố cho rằng nguyên nhân chính là sau khi hào thành hoàn thành việc xây dựng, cải tạo và bàn giao đưa vào quản lý, vận hành đã không được thực hiện theo thiết kế xây dựng.
Cụ thể trong thiết kế đã có hệ thống mương gom tách nước sinh hoạt của người dân xung quanh hào thành; hào thành chỉ có nhiệm vụ thu nước mặt, nước mưa, tuy nhiên quá trình vận hành, nước thải sinh hoạt đã chảy vào trong gây ô nhiễm. Mặt khác trên cống bao, hố thu nước sinh hoạt ở một điểm bị sập nên không thu được nước sinh hoạt của dân dẫn đến chảy vào hào thành.
Về vấn đề bồi lắng, do trận mưa ngày 6/10/2019 đã đẩy một lượng bùn lắng vào hào thành cổ. Hiện nay, UBND thành phố đã giao cho các phòng, ban khắc phục tình trạng nêu trên trước ngày 30/7/2020 với dự toán gần 2 tỷ đồng.
Cùng với ô nhiễm môi trường hào thành cổ, đại biểu Trần Thị Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Vinh tỏ ra "sốt ruột" khi trên một số tuyến phố như: Nguyễn Văn Cừ, Hồ Tùng Mậu được thành phố chỉnh trang đô thị, lắp đặt các thùng chứa rác, nhưng người dân xả rác ra ngoài. Mặt khác, người dân cũng tùy tiện đổ rác không đúng giờ quy định.
Đại biểu đề nghị UBND thành phố cần có cơ chế để xử phạt nghiêm khắc, chính quyền các phường, xã cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động và giám sát ý thức chấp hành của người dân.
Cũng liên quan đến ô nhiễm môi trường, vấn đề bố trí các điểm tập kết rác bất cập tiếp tục được các đại biểu HĐND thành phố đặt ra. Theo đại biểu Phú Văn Phượng - Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, giải pháp để khắc phục các điểm tập kết bất hợp lý hiện nay là thành phố cần đầu tư ngân sách để nâng cấp năng lực thu gom, như có các xe thu gom, cuốn ép rác tại chỗ.
Nhiều vấn đề chưa hết “nóng”
Ngoài ô nhiễm môi trường, nhiều đại biểu cũng nêu lên nhiều vấn đề tiếp tục gây bức xúc của thành phố trong nhiều năm nay. Đó là công tác cấp mới, cấp đổi GCNSD đất cho người dân, nhất là ở các xã sáp nhập vào thành phố từ huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
Một số đại biểu cũng băn khoăn về hiệu quả hoạt động của phố đêm Cao Thắng và bài học kinh nghiệm khi đưa vào vận hành phố đi bộ trên địa bàn.
Liên quan đến phố đi bộ, đại biểu Trần Quang Lâm -Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho hay, hiện nay chưa khai trương được do 3 điểm nhấn của phố đi bộ gồm: đài phun nước, vườn hoa nghệ thuật và biểu tượng phố đi bộ chưa được triển khai do đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng.
Một số đại biểu cũng bày tỏ bức xúc khi các dự án chung cư 20 – 30 tầng với hàng trăm căn hộ, nhưng chỉ đầu tư xây dựng một tầng nhà để xe, thậm chí có chung cư cũng chỉ có tầng chứa xe máy, không có chỗ đậu ô tô, đặt ra áp lực cho hạ tầng thành phố, thậm chí có những khu xe ô tô các chung cư đậu trên vỉa hè, đường đi.
Đó còn là bức xúc về lò giết mổ tập trung chưa được đầu tư gây nên tình trạng có đến 45 hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư; việc chuyển đổi mô hình chợ; giải quyết khu nhà tập thể; hệ thống mương thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ… là những nội dung đại biểu phản ánh.