Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (huyện Quế Phong) nêu vấn đề, thời gian qua, trên cơ sở triển khai các quyết định mang tính then chốt như Quyết định số 2355/2013 về phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 2356/2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An, các cấp, các ngành đã đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tạo ra được một số sản phẩm hàng hóa mang tính đặc trưng; tập trung thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Tuy nhiên, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang đặt ra nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, thiếu điện sinh hoạt, kỹ năng lao động thấp. Thực tế này đồng nghĩa với cơ hội tìm kiếm việc làm khó khăn. Đây cũng là vùng đang đặt ra các thực trạng đáng lo ngại như: tệ nạn ma túy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nguy cơ tái nghèo cao…
Mặc dù khu vực này được Đảng và Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chính sách, nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiều nguyên nhân gây trở ngại, đại biểu Lô Thị Kim Ngân cho rằng về chủ quan, có những ngành được giao chưa nghiêm túc triển khai chương trình, kế hoạch của tỉnh đề ra. Cụ thể như Quyết định 2165/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội khóa XIV và Quyết định số 1409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, đại biểu Lô Thị Kim Ngân đề nghị HĐND tỉnh bổ sung vào dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển vùng miền núi, dân tộc.
Cũng quan tâm đến dự thảo nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hộicho 5 năm tới và năm 2021, đại biểu Hoàng Văn Phi (huyện Hưng Nguyên) cho rằng, kinh tế nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của tỉnh. Để đảm bảo nông nghiệp phát triển hiệu quả thì thủy lợi là yếu tố cần được quan tâm ở cả 2 khâu: chống hạn và tiêu úng. Vì vậy, các cấp, các ngành cần quan tâm đến đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp, người nông dân sản xuất tập trung; quan tâm đề ra các giải pháp nâng cao kỹ năng, sự chủ động cho người nông dân để phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong chăn nuôi, đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững.