Sáng nay, 7/1, Hội đồng xét xử thẩm vấn nhân vật chủ chốt của 'đại án' chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng - Huỳnh Thị Huyền Như xung quanh các chiêu thức vay nợ và chiếm đoạt nghìn tỷ.
Chết vì bất động sản
Trong ngày thứ hai xét xử “đại án”, một lần nữa Huỳnh Thị Huyền Như lại gây chú ý trong trang phục áo trắng có thiết kế sành điệu… Ở phiên tòa khai mạc bị cáo này cũng diện cái áo hồng có thiết kế hợp thời trang.
HĐXX chất vấn, Như vay tiền của những ai và vay như thế nào? Như trả lời, đã vay lãi suất rất cao của nhiều người. “Bị cáo bị các chủ nợ truy đòi, cho xã hội đen uy hiếp, nên bị cáo phải tìm mọi cách có tiền để trả nợ”, Như thừa nhận.
Theo đó, đầu năm 2010, thông qua đối tượng Trần Hoàng Trung (nhân viên môi giới chứng khoán), Như biết được thông tin Cty Cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương đang có nguồn tiền lớn. Do bị áp lực từ việc bỏ nguồn tiền đầu tư vào bất động sản khắp nơi khoản 200 tỷ đồng và bị vỡ nợ nên Như đã vận dụng nghiệp vụ ngân hàng có được của mình để triển khai kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, trước khi phạm tội, Huỳnh Thị Huyền Như mới ở tuổi 30 nhưng đã có tham vọng làm giàu nhanh và tiến hành thực hiện các thương vụ đầu tư triệu đô và bất động sản với số lượng mua bán, giao dịch rất nhiều.
Đến thời điểm Huyền Như bị khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi những lá đơn khởi kiện đầu tiên, đại gia này vẫn còn đang sở hữu hàng chục bất động sản là căn hộ sang trọng, đất nền, biệt thự tại khu biệt thự Nam Phú (quận 7), An Phú Đông (quận 12), biệt thự tại khu du lịch Sanctuary ở Xuyên Mộc – Bà Rịa Vũng Tàu (hai căn này có giá thị trường trên 1 triệu USD/căn), villa tại Điện Bàn (Quảng Nam), căn hộ Ruby tại tòa tháp Ruby (khu dân cư Sài Gòn Pearl), căn hộ Orient Apartment (quận 4) và nhà đất tại Đà Lạt, Lâm Đồng... và một số tiền đã dùng để mua nhà đất tại năm công ty bất động sản.
Huyền Như đã sử dụng và sở hữu đến ba chiếc xe hơi, chiếc đắt nhất có giá 3,6 tỉ đồng. Tất cả tiền đầu tư và mua sắm tài sản đắt tiền một phần lớn do Huyền Như vay nặng lãi (thậm chí lên tới 3,7%/ngày). Đầu tư bất động sản dàn trải bằng tiền đi vay ngân hàng, vay cá nhân thì đến giữa năm 2010 bất động sản bắt đầu khó giao dịch, nhưng tiền lãi đến kỳ vẫn phải trả.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong các giao dịch với những bạn làm ăn cũ, Huyền Như là người biết giữ lời hứa. Nhưng số nợ cũ và lãi mới cứ lũy tiến mà bất động sản không bán được khiến “lần sau cho vay trả lãi cao hơn lần trước” là nguyên nhân để đại gia này đổ nợ. Và cuối cùng để thoát thân, nữ đại gia đã lừa hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân để lấy chỗ nọ đập vào chỗ kia khiến nhiều doanh nghiệp, ngân hàng phải khốn đốn.
Lừa huy động tiền để chiếm đoạt
Như khai với HĐXX khi tiến hành kế hoạch đầu tiên của hành loạt phi vụ lừa đảo. Như đã đến gặp Phạm Anh Tuấn (Tổng giám đốc Cty Thái Bình Dương) huy động gửi tiền vào Vietinbank, Chi nhánh TPHCM. Tuy nhiên để thực hiện việc chiếm đoạt tiền gửi của Cty Thái Bình Dương, Như cho soạn hợp đồng, ký giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Minh Hương (Phó giám đốc), đóng dấu của Vietinbank Chi nhánh TPHCM để ký hợp đồng huy động 1.500 tỉ đồng của Cty Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, Như huy động 1.500 tỉ đồng, để trả lãi nơi khác, rồi trả lãi cao cả trong lẫn ngoài hợp đồng cho Cty Thái Bình Dương, vậy Như có nghĩ rằng có đủ tiền trả cho Cty Thái Bình Dương hay không? Ngoài ra, hành vi của bị cáo Như có thấy là gian dối khi chiếm đoạt tiền của Cty Thái Bình Dương…?
Huỳnh Thị Huyền Như nhẹ giọng trả lời, cô ta biết là sai, nhưng phải trả lãi suất cả trong hợp đồng và cả ngoài nên bị cáo rút hết 80 tỉ đồng của Cty Thái Bình Dương sử dụng vào việc trả lãi cho hai cá nhân mà cô ta vay bên ngoài với lãi suất rất cao là bà Nguyễn Thị Lành và Nguyễn Thiên Lý.
Hai đối tượng Lành, Lý cũng bị truy tố trong vụ án này với cáo buộc tội cho vay nặng lãi.
Theo TPO