(Baonghean.vn) - Ở Việt Nam có nhiều địa phương có lễ hội chọi trâu, chọi bò. Tuy nhiên những nét đặc sắc trong lễ hội chọi bò của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn khó có thể tìm thấy ở đâu khác.
Với người Mông ở Kỳ Sơn, con bò chọi được yêu quý, được chủ nhân đặt tên, tính tuổi. Bò chọi còn biểu trưng cho sức mạnh, tiếng tăm và sự giàu có của gia chủ. Lễ hội chọi bò ở Kỳ Sơn của đồng bào Mông được hình thành từ xa xưa, trở thành nét văn hóa độc đáo. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp chợ phiên chợ, nhất là độ Tết đến, xuân về. Những bản làng có việc vui, thậm chí mừng nhà mới lễ hội chọi bò vẫn được tổ chức. Các ngày lễ, tết, lễ hội chọi bò được cấp ủy, chính chính quyền cơ sở đứng ra tổ chức. Lễ hội được tổ chức ở nhiều địa bàn của huyện Kỳ Sơn, nhưng chủ yếu tập trung ở 3 xã: Mường Lống, Nậm Cắn và Huồi Tụ. Mỗi khi tổ chức chọi bò, các cụ già, thanh niên và các cháu nhỏ thích thú theo dõi. Rất nhiều du khách bị cuốn hút bởi những trận đấu đầy kịch tính và quyết liệt của những “đấu sĩ bò”. Trong một trận đấu, giá trị của con bò thắng cuộc sẽ tăng lên nhanh chóng. Trên địa bàn huyện Kỳ Sơn hiện nay, có rất nhiều bò chọi, trong đó nổi bật hơn cả là chú bò “vô địch” của ông Lầu Nỏ Trừ ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Chú bò này đã bất bại trên đấu trường mấy năm trở lại đây và được hỏi mua với giá 9.000 USD nhưng ông Trừ không bán. Lễ hội chọi bò cũng là dịp để mọi người trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi đại gia súc. Thanh Sơn