(Baonghean.vn) - Mỗi khi làng bản có ngày vui, đồng bào Mông ở miền Tây Nghệ An thường mở hội chọi bò. Đây chính là nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của cư dân sống trên những ngọn núi cao.
Với đồng bào Mông, chọi bò thực sự là một hội lớn. Khi một bản nào đó mở hội chọi bò, không chỉ bà con trong bản mà các bản trong vùng cũng tìm đến tham gia và cổ vũ. Có những hội thi chọi bò lên thu hút tới hàng nghìn người đến xem. Trong ảnh là cảnh hội thi chọi bò ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Hay tin có hội chọi bò, dân bản cùng sôi nổi dắt bò ra sân tham gia, góp thêm niềm vui cho ngày hội. Có lúc, người Mông ở nước bạn Lào vận chuyển bò bằng xe tải qua biên giới sang tham dự, góp phầm làm hội thi thêm phần sôi động. Trước lúc tham dự hội thi, các "đấu sỹ" bò thường được chăm sóc đặc biệt, khẩu phần ăn nhiều hơn ngày thường để tích trữ thêm nguồn năng lượng. Một trong những ý nghĩa của hội chọi bò là tôn vinh và khuyến việc chăn nuôi đại gia súc. Thông thường, khi được dắt ra sân, trước khi lao vào cuộc đấu, các "đấu sỹ" bò thường "nghênh chiến" với nhau. Sau khi thăm dò nhau, các "đấu sỹ" vào cuộc đấu quyết liệt, tạo niềm hứng khởi cho khán giả. Những "đấu sỹ" dày dạn kinh nghiệm thường tìm ra những đòn hiểm để nhanh chóng hạ đối phương. Vì thế, hội chọi bò còn thể hiện tính hấp dẫn. Trong những cuộc đấu quyết liệt, phần cuối thường là màn rượt đuổi ngoạn mục của bên thắng cuộc. Người dân thường dùng cây sào buộc sợi dây để khống chế các "đấu sỹ" bò trong những pha rượt đuổi. "Đấu sỹ" thắng cuộc được "thưởng" bằng sự reo hò, tán thưởng và cổ vũ của đông đảo khán giả. S. Nguyễn- H.Phương- C.Kiên