Tối 19/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh diễn ra Chương trình Tổng kết Lễ hội Làng Sen năm 2019.
Trang nghiêm và sôi nổi
Sau 4 ngày (từ 16 - 19/5) diễn ra sôi nổi, Lễ hội Làng Sen năm 2019 đã thành công tốt đẹp. Lễ hội nhằm tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức và văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa Làng Sen - vùng quê nơi Người sinh ra và đã hun đúc nuôi dưỡng hình thành nên nhân cách Nguyễn Tất Thành thời niên thiếu.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng của Lễ hội Làng Sen trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các hoạt động phần lễ đảm bảo được tính trang nghiêm, khai thác được các hình thức lễ hội dân gian truyền thống và huy động đông đảo nhân dân tham gia.
Một nội dung quan trọng của phần lễ là khai mạc Lễ hội được tổ chức trang trọng, hoành tráng vào 20h ngày 17/5 tại sân vận động làng Sen; chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc được BTC đầu tư công phu về nội dung, kịch bản với chủ đề “Lời Bác sáng đường ta đi”.
Về phần hội, trọng tâm của Lễ hội Làng Sen là Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” với chủ đề “Nghệ An vang mãi lời Người” tại Khu Di tích Kim Liên, với sự tham gia thi tài của gần 300 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công đến từ 9 huyện, thành, thị. Hoạt động này thu hút sự quan tâm theo dõi, thưởng thức của nhiều đoàn khách về thăm quê Bác nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Người.
Nét nổi bật của Liên hoan lần này là các đơn vị đều có sự chuẩn bị công phu, nội dung bám sát chủ đề về Bác Hồ và làng Sen, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh. Nhiều tiết mục có sự đổi mới về cách thức dàn dựng theo hướng tìm kiếm và sáng tạo từ xây dựng kịch bản, biên đạo, hòa âm phối khí, đến trang phục, đạo cụ nên chất lượng nghệ thuật khá đồng đều.
Điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm sinh nhật Bác năm nay còn phải kể đến là các cuộc triển lãm với quy mô toàn quốc: Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung; Triển lãm linh vật Nghê Việt; Triển lãm tranh cổ động tấm lớn về kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Truyền thống bộ đội Trường Sơn; Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý”.
Về hoạt động thể thao, có 2 môn được lựa chọn thi đấu là Bóng chuyền và Võ cổ truyền, quy tụ 350 VĐV đến từ 15 đoàn và đơn vị, tranh 39 bộ huy chương.
Ở phần thi người đẹp Lễ hội Làng Sen, sau 3 vòng thi, BTC chọn 15 thí sinh vào vòng chung kết. Bên cạnh đó, Lễ hội còn có các hoạt động: Hội thi xe tuyên truyền cổ động; Hội trại thanh niên; trưng bày chuyên đề ảnh và chiếu phim về đề tài Bác Hồ; tổ chức các trò chơi dân gian đã tạo được điểm nhấn, không khí sôi nổi cho Lễ hội.
Lan tỏa và kết tinh giá trị văn hóa tinh thần
Trong đêm tổng kết, có 8 tiết mục văn nghệ chọn lọc tại Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen” được công diễn và màn trình diễn của 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi Người đẹp Lễ hội Làng Sen.
Kết thúc, Ban Tổ chức trao giải cho các phần thi diễn ra tại Lễ hội Làng Sen. Cụ thể, ở Hội thi Liên hoan “Tiếng hát Làng Sen”, đội Nghệ thuật quần chúng huyện Yên Thành đạt giải Nhất; giải Nhì thuộc về các đội Thanh Chương, Đô Lương và giải Ba là các đội Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh. Bên cạnh đó, BTC cũng trao 7 giải A, 7 giải B, 7 giải C và 7 giải Khuyến khích cho các tiết mục.
Ở Hội thi thể thao, BTC trao giải Nhất toàn đoàn cho huyện Nam Đàn, giải Nhì cho thành phố Vinh và giải Ba cho huyện Yên Thành.
Phần thi xe tuyên truyền cổ động, BTC đã trao giải A cho đội Thanh Chương, giải B cho đội Đô Lương và Hưng Nguyên và giải C cho 5 đội.
Phần thi Người đẹp Lễ hội Làng Sen, giải Nhất thuộc về thí sinh Trịnh Thị Hà Thương (thị xã Thái Hòa); giải Nhì là 2 thí sinh Nguyễn Thị Như Quỳnh (Quỳnh Lưu) và Nguyễn Thị Đào (Hưng Nguyên). Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải phụ và các giải Khuyến khích.
Lễ hội Làng Sen khởi phát từ liên hoan văn nghệ địa phương nhưng nhanh chóng lan tỏa, lớn mạnh, trở thành ngày hội văn hóa, đáp ứng được nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa của nhân dân. Giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội Làng Sen ngày càng gắn bó, hòa vào dòng chảy đời sống xã hội với vai trò kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa - văn hiến của quê hương Nghệ An với cả nước.