Tối 12/4, tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn đã diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019) và 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) với chủ đề “Nguồn sáng dẫn đường”.
Tham dự buổi lễ tại điểm cầu Nghệ An, về phía TP. Hồ Chí Minh có các đồng chí: Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Trương Thị Ánh - Phó Chủ tịch HĐND TP; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật. Ảnh: Mỹ Nga Chương trình cầu truyền hình “Nguồn sáng dẫn đường” do Thành ủy - UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An thực hiện tại 2 điểm cầu: Khu Di tích Kim Liên, tỉnh Nghệ An và Bảo tàng Hồ Chí Minh, TP.Hồ Chí Minh.
Hoạt cảnh "Nguồn sáng dẫn đường". Ảnh: Mỹ Nga Chương trình gồm3 phần chính: Phần 1 với chủ đề “Khát vọng độc lập - Thống nhất”, Phần 2 - “Niềm tin với Đảng”, Phần 3 - “Vững bước theo Người”.
Với nội dung đặc sắc, ấn tượng, chương trình đã mang đến cho khán giả những câu chuyện, thước phim tư liệu quý, sâu sắc về giá trị tư tưởng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quyết tâm của đồng bào, nhân dân cả nước trong việc thực hiện tâm nguyện của Người.
Nhiều tiết mục văn nghệ được dàn dựng công phu, ấn tượng. Ảnh: Mỹ Nga Tại đêm nghệ thuật, đại biểu và khán giả ở hai điểm cầu còn được giao lưu, trò chuyện với những khách mời đặc biệt. Nêu bật những giá trị to lớn của Di chúc của Bác, GS.TS.Hoàng Chi Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “Bản Di chúc lịch sử được Bác Hồ viết vào ngày 10/5/1965. Đây là tài liệu kết tinh tất cả trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bản Di chúc thực sự là một công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền, thể hiện khát vọng to lớn: Thống nhất đất nước”.
Tại điểm cầu Nghệ An, khán giả được lắng nghe NSƯT Song Thao - một người con xứ Nghệ thể hiện ca khúc “Trồng cây lại nhớ đến Người”. Nữ nghệ sỹ cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Ảnh: Mỹ Nga Nhắc lại lá thư cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho Đảng bộ tỉnh Nghệ An vào ngày 21/7/1969, tức chỉ hơn 1 tháng trước khi Người đi xa, ông Trương Công Anh - nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An chia sẻ: "Đây là bức thư Bác gửi cho một Đảng bộ địa phương, nhưng cũng là lời dạy sâu sắc về công tác xây dựng, chỉnh đốn chung cho toàn Đảng. Bác từng căn dặn "Đảng là mỗi chúng ta". Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự phê bình và phê bình".
Lãnh đạo Khu Di tích Kim Liên trao tặng bức tranh kỷ niệm cho Trung tá Nguyễn Thanh Xuân - nhà quay phim thuộc Xưởng phim Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã ghi lại những thước phim tư liệu trong giây phút cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Nga
50 năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An và TP.Hồ Chí Minh với truyền thống cách mạng kiên trung đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện những lời căn dặn trước lúc đi xa của Bác Hồ. Trên chặng đường tiếp theo, Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành phố vinh dự mang tên Bác nguyện hứa sẽ tiếp tục phấn đấu, góp một phần quan trọng thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.