Đoạn video do đặc nhiệm SEAL chia sẻ trên Facebook cho thấy các em được "gây mê", mặc đồ bơi và đeo mặt nạ dưỡng khí. Các thợ lặn đặt từng người lên cáng và khiêng ra ngoài.
Chaiyananta Peeranarong, cựu đặc nhiệm Seal nói với AFP: “Một số em đang ngủ, một số vẫn có thể vẫy tay. Công việc của chúng tôi là chuyển các em ra ngoài”.
Các bác sĩ được bố trí dọc theo tuyến đường dài 4 km từ vị trí đội bóng bị kẹt ra đến lối vào chính để theo dõi tình hình. Sau khi ra khỏi hang, các em được chuyển ngay đến phòng cách ly ở bệnh viện tỉnh Chiang Rai để theo dõi và điều trị.
Thông tin đội bóng được gây mê và cáng ra ngoài đang trở thành chủ đề gây tranh cãi. Có nhiều báo cáo mâu thuẫn về số lượng thuốc an thần mà bác sĩ sử dụng để giữ cho các em bình tĩnh, hay gây mê hoàn toàn.
CBS Newsbáo cáo rằng nạn nhân chỉ được cho dùng thuốc an thần, chống lo âu, nhưng nguồn tin AFP cho biết các em được gây mê hoàn toàn. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết thành viên đội bóng được cho uống an thần nhưng phủ nhận việc gây mê.
Nguồn tin BBC đưa ra nhiều thông tin khác nhau về mức độ an thần. Một trong các thợ lặn tham gia cứu hộ nói với BBC các em được gây mê toàn phần trước khi giải cứu để tránh sự hoảng loạn khi di chuyển qua đoạn hang hẹp dưới nước.
Một số nguồn tin nói rằng các thành viên đội bóng chỉ có ý thức một phần khi được đưa ra khỏi hang. Huấn luyện viên là người duy nhất tự bơi và lặn ra ngoài với sự trợ giúp của thợ lặn.
Trước khi tiến hành giải cứu, lực lượng cứu hộ cho biết các thợ lặn sẽ dạy cho đội bóng cách bơi và lặn. Tuy nhiên, nhiều thành viên đội bóng không biết bơi chứ chưa nói đến lặn dưới nước.
Trong khi đó, thời gian không cho phép, mùa mưa kéo dài 4 tháng sắp bước vào giai đoạn cao điểm. Nếu không đưa được đội bóng ra ngoài trước khi phần lớn hang ngập nước, họ có thể phải ở lại thêm 4 tháng.
Giải cứu hang động là công việc cực kỳ nguy hiểm, ngay cả với thợ lặn chuyên nghiệp. Đoạn hang từ ngã ba “Sam Yak” đến “Dốc Nern Nom Sao” dài 1,7 km. Nơi đội bóng bị kẹt nhiều đoạn vẫn ngập trong nước, một đoạn cần phải lặn với chiều rộng chỉ 0,72 m, cao 0,38 m. Các thợ lặn chuyên nghiệp phải rất vất vả mới chui lọt qua đây.
Kế hoạch cho các em học sinh bơi và lặn ra ngoài với sự hỗ trợ của thợ lặn đã được phê duyệt. Tuy nhiên, khi bác sĩ - thợ lặn Richard Harris, người có 30 năm cứu hộ dưới nước đến khu vực đội bóng bị kẹt để triểm tra y tế, kế hoạch lập tức đã thay đổi.
Đội bóng Lợn Rừng đã trải qua gần nửa tháng ở trong hang tối, sức khỏe và tinh thần đều bị giảm sút. Việc cho các em tự bơi và lặn ra ngoài tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong quá trình di chuyển, đặc biệt là khi chui qua đoạn hang hẹp ngập nước, nếu có bất kỳ sự hoảng loạn nào có thể đe dọa tính mạng các em mà đội cứu hộ không kịp trở tay.
Một cựu đặc nhiệm SEAL tử vong vì cạn oxy đã cho thấy sự nguy hiểm và tính phức tạp của giải cứu hang động. Do đó, an thần hoặc gây mê cho các em và đặt lên cáng đưa ra ngoài được đánh giá là giải pháp khả khi nhất.
Khi được an thần, tinh thần của các em đã được kiểm soát, tránh được sự hoảng loạn khi di chuyển qua những đoạn hang ngập nước. Các thợ lặn chỉ việc khiêng ra ngoài. Họ hoàn toàn làm chủ được tình hình, giúp đẩy nhanh thời gian cứu hộ.
Việc thay đổi kế hoạch giải cứu được giữ bí mật để tránh sự kích động của truyền thông và sự hoảng loạn của thân nhân. Một thợ lặn giấu tên, người Anh, hôm 9/7 nói với Vox News rằng anh không thể tiết lộ bất kỳ điều gì cho đến khi chiến dịch giải cứu kết thúc.
Thông tin mới nhất đã vén bức màn bí mật về sự thành công kỳ diệu của chiến dịch. 13 người bị kẹt trong hang, phần lớn lại không biết bơi và lặn được đưa ra ngoài an toàn mà không gặp bất kỳ sự cố nào.
Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch cứu hộ, nói rằng toàn bộ hoạt động giải cứu sẽ không thể thành công nếu không có kỹ năng độc đáo của bác sĩ - thợ lặn Harris. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thêm thông tin.