(Baonghean) - Cuối tuần qua, những đặc công nước từng tham gia giải phóng Trường Sa của Lữ đoàn đặc công hải quân 126 khu vực Nghệ - Tĩnh có cuộc hội ngộ ân tình khi về thăm đơn vị cũ.
Từ Thành phố Vinh, đoàn xe chở Trung tá Nguyễn Hữu Đồng - Trưởng ban liên lạc và các đồng đội của Đoàn CCB Lữ đoàn Đặc công hải quân 126 khu vực Nghệ - Tĩnh ngược ra bắc, về thành phố cảng Hải Phòng thăm đơn vị cũ.
Trung tá Đồng chia sẻ: “Đã là lính, dù bao nhiêu năm cách xa, dù không cùng thế hệ vẫn mang nặng ân tình. Với những người lính chúng tôi, đơn vị như nhà của mình. Mấy hôm nay, tôi không tài nào ngủ được, những kỷ niệm cũ cứ hiện về, mỗi hồi ức đến là một lần trở mình. Nhớ những trận phục kích địch ở chiến trường Đông Nam bộ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Nhớ những ngày vùi mình dưới bùn lầy để che mắt địch, những lần bơi cả quãng đường sông hơn 15 km để tiềm nhập mục tiêu, đánh phá tàu địch…”.
Thiếu tướng Mai Năng (bên phải) nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 126 gặp lại đoàn CCB Nghệ - Tĩnh.
Cựu chiến binh Võ Trung Tao chia sẻ: Ngày ấy, huấn luyện ở miền Bắc xong, chúng tôi được tăng cường vào miền Nam làm nhiệm vụ, mỗi người được bổ sung vào các đơn vị khác nhau, tham gia chiến đấu khắp các chiến trường. Tôi được điều vào chiến đấu ở Cửa Việt (Quảng Trị), nhiệm vụ chính là đánh phá tàu địch chở vũ khí và hàng hóa ở cửa biển này. Mùa Xuân 1975, tôi có mặt tại Đà Nẵng và tham gia giải phóng thành phố này. Cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt, những người lính đặc công chúng tôi luôn sẵn sàng nhường sự sống cho đồng đội, nhận về mình sự hy sinh...
Thượng tá Hoàng Văn Sung là người cao tuổi nhất trong đoàn cựu chiến binh 126. Năm nay gần 80 tuổi, nhưng những ký ức từ ngày đầu thành lập đơn vị vẫn còn vẹn nguyên. Ông nhớ lại: “Trước đây ta chưa có đội quân chuyên biệt để đánh tàu địch trên sông, trên biển, nên địch đã lợi dụng đường thủy để vận chuyển vũ khí, quân trang.
Có những chuyến tàu chở hơn 1 vạn tấn vũ khí, nếu số lượng này được tiếp viện thành công cho quân địch đang đánh trận thì quân đội ta gặp vô vàn tổn thất. Ngày 13 tháng 4, Bác Hồ và Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Lữ đoàn Đặc công hải quân 126. Đây là lực lượng đặc công nước đặc biệt tinh nhuệ, được tuyển chọn rất gắt gao. Lính đặc công ngoài yêu cầu về thể lực và khả năng bơi lội tốt, còn phải nắm chắc kỹ thuật trong sử dụng thiết bị đánh thủy.
Đoàn CCB thăm bảo tàng hải quân.
Trong vòng 7 năm (từ 1966 - 1973) cán bộ, chiến sỹ của Lữ đoàn đã dũng cảm, mưu trí tổ chức hơn 300 trận đánh gây thiệt hại 400 tàu địch.
Mùa Xuân năm 1975, có 107 sỹ quan, chiến sỹ của Lữ đoàn do Thiếu tướng Mai Năng chỉ huy đã vượt biển tham gia giải phóng thành công nhiều đảo và cụm đảo ở Trường Sa. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc ấy, đơn vị được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những câu chuyện xóa tan bao mệt nhọc chặng đường dài đã đưa những cựu binh đến Sở chỉ huy Lữ đoàn Đặc công hải quân 126 đã ở phía trước.
Các cựu chiến binh phấn chấn hẳn lên. Chào đón những cựu binh năm xưa là Đại tá Đoàn Văn Mạnh - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 126.
Phía xa một người mang quân hàm tướng, tóc bạc trắng, dáng người rắn rỏi đứng đợi đoàn, ông nở nụ cười rất hiền. “Thiếu tướng Mai Năng! Bác Mai Năng cũng đến anh em ơi!”- những cựu binh đến từ quê hương Nghệ - Tĩnh cùng ùa về phía vị tướng ấy. Họ ôm chầm lấy ông, như những người em đi xa lâu ngày, nay trở về với người anh cả.
Sau những phút giây ngỡ ngàng, những cựu binh đứng vây quanh người chỉ huy năm xưa không ngừng hỏi: “Thủ trưởng ơi! Thủ trưởng còn nhớ chúng em không ạ?”. Vị tướng già đưa mắt nhìn khắp lượt, rồi cất lên những câu rất mực trầm ấm: “Việt này! Định này! Sung này! Và cả Hiếu nữa... Các cậu khỏe cả chứ? Hôm nay anh em Nghệ - Tĩnh ra bao nhiêu người?”...
Đoàn cựu chiến binh thăm quan các thiết bị, vũ khí của Lữ đoàn
“Các cậu còn nhớ anh Mai Soa chứ?”- Thiếu tướng Mai Năng chợt hỏi khi mọi người đã hội tụ trong hội trường Lữ đoàn. Tất cả mọi người đều nín lặng, nét mặt bỗng đăm chiêu, xúc động. Vị tướng già tiếp lời để phá tan bầu không khí im lặng: “Hồi đó tôi làm phó cho anh Mai Soa. Trong lữ đoàn ngày đó, anh Mai Soa được biết đến là một người tài giỏi, đa mưu túc trí, đã chỉ huy anh em đánh phá nhiều tàu địch. Có khi, tàu vừa chạm bến, chưa kịp buộc neo thì anh đã ốp mìn vào lưng tàu, chỉ vài chục phút sau là tàu địch bốc nổ, khiến chúng phải hứng chịu nhiều tổn thất. Đang ở độ tuổi sung sức nhất, vào một sáng sớm thì anh em trong đoàn phát hiện ra anh đã chết trong căn chòi giữa rừng đước - nơi anh vẫn ngày đêm bám trụ để quan sát tàu thuyền địch. Mới đó mà đã mấy chục năm trời...”.
Sau những phút giây gặp gỡ, chuyện trò xúc động, đoàn cựu chiến binh Nghệ - Tĩnh được mời tham quan thao trường luyện tập của đơn vị. Tại đây, những người lính trẻ đang hăng say tập luyện. Đại tá Đoàn Văn Mạnh cho hay, các chiến sỹ trẻ có thể hoàn thành chặng bơi từ Cát Bà về Đồ Sơn và có thể bơi ngược chiều sóng một cách xuất sắc. Không chỉ cải thiện về kỹ năng bơi, hiện tại khả năng lướt sóng của các chiến sỹ trẻ cũng được nâng cao một bậc. Chứng kiến buổi luyện tập, những người lính năm xưa ai cũng thực sự xúc động và tự hào.
Lữ đoàn 126 diễn tập chống đột kích trên biển. Cựu chiến binh Võ Trung Tao (Nghi Lộc, Nghệ An) có 2 người cháu họ gọi bằng ông đang huấn luyện tại Đội 3 của Lữ đoàn. Cuộc gặp gỡ của 3 ông cháu tại thao trường của Lữ đoàn thật cảm động, là hiện hữu sự tiếp nối ý chí và truyền thống giữa các thế hệ. Ông Tao chia sẻ: “Lịch sử đã cho thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, hạnh phúc thì càng phải tiếp bước truyền thống, không vì một lý do gì mà quên đi nhiệm vụ xây dựng đất nước. Tôi vẫn thường căn dặn con cháu như thế”. Với niềm hứng khởi, Trung tá Nguyễn Hữu Đồng cho biết: “So với chúng tôi ngày trước, các em, các cháu bây giờ đã vượt xa, đặc biệt là kỹ thuật chiến đấu. Trở về thăm đơn vị, chúng tôi hết sức tự hào và tin tưởng thế hệ sau sẽ tiếp bước những người đi trước, giữ gìn và phát huy truyền thống của một đơn vị 2 lần được phong tặng Anh hùng”.
Đại úy Hà Văn Mãn, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An tâm sự: “Đây là cuộc gặp gỡ ngập tràn tình cảm. Qua những rèn luyện gian khổ, chúng tôi lại càng khâm phục và đánh giá cao ý chí, trí tuệ của thế hệ cha anh khi vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm và ác liệt để đánh bại kẻ thù. Là một người con của Nghệ An, nay được gặp các bác cựu chiến binh quê hương, với tôi đó là niềm vinh dự lớn, một niềm vui không dễ nói thành lời, nó sẽ là điểm tựa để bản thân tôi tiếp bước trên đường đời, đường binh nghiệp”.
Có lẽ tâm sự của Đại úy Hà Văn Mãn cũng là suy nghĩ của nhiều cán bộ, chiến sỹ trẻ của Lữ đoàn 126.
Lữ đoàn 126 thành lập tháng 4-1966, là lực lượng đặc công nước đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Đơn vị chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị) từ năm 1966 đến năm 1973 với hơn 300 trận, đánh chìm 339 tàu, phá hủy hàng chục vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, tiêu diệt hàng nghìn sinh lực địch. Năm 1975, các chiến sỹ đặc công của Lữ đoàn đã tham gia giải phóng thành công nhiều đảo và cụm đảo ở Trường Sa. Lữ đoàn còn huấn luyện hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ đặc công nước ưu tú chi viện cho chiến trường sông, biển miền Nam; tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. |
Thanh Quỳnh - Công Kiên