(Baonghean) - Với 82 km bờ biển, trải dài qua 5 huyện, thị, Nghệ An có gần 4.000 phương tiện đánh bắt trên biển với hơn 19.000 lao động trực tiếp tham gia đã đặt ra yêu cầu lớn đối với công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho lực lượng bộ đội biên phòng của tỉnh. Để hiểu rõ hơn công tác này trong tình hình mới, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với Đại tá Đinh Ngọc Văn - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An. 

P.V:Xin đồng chí cho biết, tình hình đáng quan tâm và một số kết quả đạt được trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển, đảo Nghệ An trong thời gian gần đây?
 
Đại tá Đinh Ngọc Văn:Những năm gần đây, tình hình trên Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều vấn đề khó lường với việc Trung Quốc liên tục có các hành động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp trên Biển Đông như hạ đặt giàn khoan trái phép, bồi lấp các đảo đá trên Quần đảo Trường Sa, làm thay đổi hiện trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam. Trên vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An tình trạng tàng trữ, sử dụng chất nổ, kích điện để đánh bắt hải sản, tranh chấp ngư trường, buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn xảy ra tác động đến tình hình ANTT trên biển...  
 
images1407727_6.jpgHải đội 2, BĐBP tỉnh xuất kích tuần tra. Ảnh: Lê Thạch
Trước diễn biến tình hình đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị biên phòng thường xuyên tổ chức lực lượng bám, nắm địa bàn, thông qua ngư dân và công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa lạch để nắm tình hình trên biển, nhất là hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài đánh bắt trái phép hải sản, các hoạt động gây mất ổn định ANTT trên biển. Phối  hợp chặt chẽ với cấp  uỷ, chính quyền địa phương, dân quân các xã biên giới biển tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát việc thực hiện Nghị định 161/2003/NĐ-CP (nay là Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 3/9/2015 có hiệu lực từ ngày 20/10/2015). 
 
 
CBCS Đồn BP cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thuỷ sẵn sàng cho nhiệm vụ Phòng chống lụt bão trên địa bàn. Ảnh: Lê Thạch
Các đồn biên phòng, Hải đội 2 đã tổ chức 146 đợt/834 lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra; phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cùng các lực lượng khác tổ chức được 72 đợt/313 lượt CBCS tham gia tuần tra, kiểm soát trên vùng biển phụ trách; kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập ở các cửa sông, cửa lạch được 41.498 lượt phương tiện/208.455 lượt người.
 
Qua đó, đã phát hiện bắt giữ và xử lý 29 vụ/46 phương tiện vi phạm/xử phạt vi phạm hành chính gần 450 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn tham gia làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, thời gian qua đã sử dụng 485 lượt CBCS, 6 lượt tàu, 7 xuồng, 171 xe máy tham gia cứu hộ, cứu nạn được 18 vụ, cứu được 17 người, 5 phương tiện và sửa chữa 81 nhà. 
 
 
Lực lượng Hải đội 2 BĐBP phối hợp với lực lượng Hải quan triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Ảnh: Lê Thạch
Các đơn vị biên phòng còn chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, biện pháp về xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới, vùng biển trong tình hình mới. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị định 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển (nay là Nghị định 71/2015/NĐ-CP); Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ; Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc; tổ chức ký cam kết cho 395 lượt người chấp hành nghiêm pháp luật khi qua lại, hoạt động ở khu vực cửa khẩu cảng biển; vận động xây dựng, củng cố 22 tổ với 183 hộ dân tham gia phong trào tổ tự quản ANTT.
 
Năm 2015, BĐBP Nghệ An còn phối hợp với Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tuyên truyền phòng chống đưa, đón người dân di cư, vượt biên trái phép sang Úc ở các xã ven biển, đã tổ chức họp dân để tuyên truyền được 65 buổi với 13.852 lượt người tham gia; Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” . 
 
P.V: Để đạt được những kết quả nói trên, lực lượng BĐBP Nghệ An đã có những giải pháp chủ yếu nào, thưa đồng chí!
 
Đại tá Đinh Ngọc Văn: Để có được các kết quả trên, các đơn vị thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát cho CBCS, nhất là nâng cao bản lĩnh về chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ biển, đảo. Thường xuyên duy trì tốt chế độ thông báo tình hình với các lực lượng Hải quân Vùng 1, Cảnh sát Biển vùng 1; phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh (KT và BVNLTS) hướng dẫn ngư dân làm ăn, sản xuất trên biển, tổ chức tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm về khai thác, đánh bắt hải sản và giữ gìn ANTT; phối hợp với các lực lượng nắm, theo dõi, xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Chỉ đạo các đơn vị biên phòng tuyến biển thực hiện tốt Kế hoạch 378/KH-BCHBP ngày 11/6/2011 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về tăng cường công tác nắm tình hình và phối hợp các lực lượng đấu tranh với những hành vi vi phạm trên biển trong tình hình mới; Kế hoạch 549/KH-BCH ngày 27/4/2015 về tuần tra bảo vệ chủ quyền ANTT trên biển.   
 
 
Hải đội 2 BĐBP tỉnh quán triệt nhiệm vụ cho CBCS trước lúc lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: Lê Thạch
P.V: Để giữ vững tình hình an ninh biên giới hải đảo, xin đồng chí cho biết các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được lực lượng triển khai trong thời gian tới?
 
Đại tá Đinh Ngọc Văn: Thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nắm chắc tình hình địa bàn, tình hình trên biển, nhất là những hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và khai thác hải sản trái phép của tàu thuyền nước ngoài trên vùng biển Việt Nam để chủ động phối hợp các lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng trên địa bàn giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển; Tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân ở các xã ven biển; Thực hiện tốt Kế hoạch số 378/KH-BCHBP ngày 1/6/2011 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh “Tăng cường công tác nắm tình hình và phối hợp các lực lượng đấu tranh với những hành vi vi phạm trên vùng biển trong tình hình mới”; phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An kiểm tra, rà soát, bổ sung nhân lực và tàu thuyền dân sự sẵn sàng huy động tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có lệnh. Tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn hàng không (SAREX 2015) do Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức. BĐBP Nghệ An cũng sẽ xây dựng phương án kiểm tra, bổ sung các phương tiện của ngư dân có công suất lớn vào biên chế đội tàu cá dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 
 
Hải đội 2 BĐBP tỉnh luôn sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Lê Thạch
P.V: Vậy để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An có những kiến nghị, đề xuất gì, thưa đồng chí?
 
Đại tá Đinh Ngọc Văn:Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Do vậy, ngoài chức trách, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách, nòng cốt, đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể bằng những việc làm thiết thực thường xuyên hướng về biển, đảo quốc gia. Cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần để ngư dân tích cực bám biển làm ăn sản xuất góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia; đồng thời quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn và thực thi pháp luật cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển ...
 
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
 
An Nhân