Động cơ, cánh và ống phóng của tiêm kích Su-22 được lực lượng đặc công nước tìm thấy cách đảo Đá Bé 11 hải lý về hướng Tây Bắc.
 
Theo ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh văn phòng Ủy ban PCLB và TKCN tỉnh Bình Thuận, các phần máy bay trên được tìm thấy lúc 16h2 phút ngày 17/4, tại vị trí cách đảo Đá Bé 11 hải lý về hướng Tây Bắc.
 
images1155365_timkiem_1.jpgVùng biển nơi 2 chiếc tiêm kích gặp nạn. Đồ hoạ: Nguyên Anh
Trước đó, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân cho biết, đã tìm thấy phần đuôi một chiếc Su-22 tại vùng biển giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận.
 
Vị trí này cách nơi đặt bia đánh dấu mục tiêu cần ném bom luyện tập khoảng 1,5 hải lý, ở độ sâu 32 m dưới mặt nước biển. Các phần máy bay đã được đánh dấu tọa độ để tiến hành trục vớt.
 
Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn được huy động gồm: Cảnh Sát biển, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn 918 và Sư đoàn 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công). 
 
Sáng nay 18/4, trung tướng Võ Văn Tuấn (Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN) đã bay ra hiện trường chỉ đạo công tác cứu nạn.
 
Theo thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, lực lượng đặc công nước đã được tăng cường để lặn tìm, trục vớt các mảnh vỡ của 2 chiếc Su-22. Bên cạnh đó, hàng trăm tàu cá đang hoạt động trên vùng biển đảo Phú Qúy cũng được thông báo đến hỗ trợ trục vớt, tìm kiếm.
 
Một trong những máy bay tham gia tìm kiếm 2 phi công và tiêm kích Su-22 gặp nạn.
Hai Sở chỉ huy cũng đã được thành lập tại sân bay Thành Sơn, do thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn trực tiếp chỉ đạo và tại đảo Phú Qúy do đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Quân huấn Sư đoàn 370 phụ trách.
 
Hiện chưa có thông tin gì về hai phi công Lê Văn Nghĩa (trung tá, Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, điều khiển máy bay Su-22 mang số hiệu 5857) và Nguyễn Anh Tú (đại úy, điều khiển máy bay Su-22 mang số hiệu 5863, Phi đội phó Phi đội 1). 
 
Theo zing.vn