(Baonghean.vn) - Đến 11h ngày 31/10, các lực lượng thực hiện cưỡng chế của huyện Qùy Hợp đã mở được con đường vào nơi thực hiện các công trình đầu mối dự án hồ chứa nước Bản Mồng. 

» Phát lệnh cưỡng chế giải phóng mặt bằng dự án hồ chứa nước Bản Mồng

Sáng 31/10, Hội đồng BTGPMB huyện Quỳ Hợp thông tin, hộ gia đình ông Đinh Viết Minh đã nhận tiền hỗ trợ, bàn giao đất. Vì vậy, việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng được thực hiện đối với diện tích đất dự án mà 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa và Lê Thị Minh đã trồng cây keo.

Công tác cưỡng chế đối với hành vi vi phạm của 2 hộ dân được huyện Quỳ Hợp thực hiện đúng quy định của pháp luật, tổ chức lực lượng để bảo vệ công việc được đảm bảo hoàn thành. 

1509433818977.jpgKhu vực tiến hành cưỡng chế. Ảnh: Lân Thảo

Đúng 8h sáng cùng ngày, sau khi Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, ông Võ Sỹ Sơn phát lệnh thực hiện cưỡng chế, các đơn vị có liên quan đã đánh dấu xác định khu vực cưỡng chế, thực hiện rà soát bom mìn. Tiếp đó, lực lượng cưỡng chế dùng cưa xăng, dao để cưa chặt hạ cây, phát thực bì. 

Khu vực thực hiện cưỡng chế trong sáng ngày 31/10 là diện tích mà gia đình bà Nguyễn Thị Hoa đã trồng keo. Tại khu vực này, có một chiếc lán được bà Hoa dựng lên chưa lâu với mục đích cản trở việc huyện Quỳ Hợp thực hiện cưỡng chế. Trong sáng 31/10, bà Hoa cùng người thân vẫn cho rằng, việc thực hiện cưỡng chế với gia đình bà là sai trái. Lý do là chưa thực hiện việc bồi thường về đất mà gia đình bà đã sử dụng từ trước những năm 1980 và chưa bồi thường tài sản trên đất là rừng keo khoảng gần 4 năm tuổi. 

Tại thời điểm quyết định thực hiện cưỡng chế, cán bộ UBND huyện Quỳ Hợp đã vận động, giải thích  các quy định chung về BTGPMB nhưng bà Hoa và những người thân vẫn cố chấp, và có những lời lẽ chống đối.

Dù vậy, công tác cắt hạ cây, phát dọn thực bì vẫn được các lực lượng thực hiện theo kế hoạch. Hơn 11h cùng ngày, con đường xuyên qua khu vực gia đình bà Hoa trồng keo để vào nơi thi công các công trình đầu mối Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được hình thành. Dự kiến, công tác cưỡng chế giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực đất thực hiện dự án đã bị các hộ dân trồng keo sẽ kéo dài từ 3 - 5 ngày.

Chiếc lán mà gia đình bà Nguyễn Thị Hoa dựng lên để gây khó khăn cho việc cưỡng chế. Ảnh: Lân Thảo

Có mặt tại buổi cưỡng chế, Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp, ông Hồ Lê Ngọc tâm tư: “Việc thực hiện cưỡng chế đối với các hộ dân là điều bất đắc dĩ. Bởi huyện Quỳ Hợp thực hiện hết các biện pháp, từ việc cử cán bộ xuống nhà vận động thuyết phục; tổ chức đối thoại, đề nghị Ban quản lý dự án hỗ trợ tiền cây giống, công trồng cây…nhưng vẫn không đạt được kết quả. Hành vi của các hộ dân là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đây là dự án trọng điểm, phục vụ lợi ích phát triển KT-XH của miền Tây Nghệ An, toàn dân được hưởng lợi nên cần đảm bảo tiến độ. Vì vậy, bắt buộc phải thực hiện việc cưỡng chế…”.

Những tâm tư của Bí thư Huyện ủy Hồ Lê Ngọc là hoàn toàn xác đáng. Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, với tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An vốn còn đầy rẫy những khó khăn. 

Đến 11h ngày 31/10, con đường vào nơi thực hiện các công trình đầu mối của dự án hồ chứa nước bản Mồng đã được mở. Ảnh: Lân Thảo

Vì vậy, có những tồn tại, vướng mắc trong công tác GPMB ở dự án này là điều đáng buồn lòng. Hành vi trồng cây trên đất nhà nước đã thu hồi phục vụ dự án của 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hoa và Lê Thị Minh là vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vì vậy cần phải thực hiện cưỡng chế. Đây là việc làm vì lợi ích chung. 

Nhật Lân - Phương Thảo 

TIN LIÊN QUAN