Điều này có thể sẽ sớm thành hiện thực sau khi một nhà nghiên cứu Nhật Bản phát triển ra loại kính mới có thể gắn lại như cũ sau khi bị nứt, vỡ.
Theo AFP, Yu Yanagisawa - một nhà hóa học tại Đại học Tokyo, đã tình cờ chế ra loại vật liệu mang tính đột phá này khi nghiên cứu các chất kết dính có thể dùng được trên bề mặt ướt.
Trong một cuộc thử nghiệm, Yanagisawa đã đập vỡ một miếng thủy tinh ra làm hai, sau đó ông ấn mặt cắt ngang của hai mảnh vỡ lại với nhau trong khoảng 30 giây cho đến khi miếng thủy tinh trở về gần như hình dạng ban đầu của nó.
Để kiểm tra độ bền của miếng thủy tinh vừa được "nối" lại, ông thử treo một chai nước đầy lên nó. Kết quả miếng thủy tinh vẫn nguyên vẹn.
Loại thủy tinh tự lành do nhà hóa học Yu Yanagisawa tìm ra - Ảnh chụp từ video clip
Miếng thủy tinh này là một loại thủy tinh hữu cơ, được làm bằng chất gọi là polyete thioureas, loại gần với thủy tinh acrylic hơn là kính khoáng chất, thường được dùng để chế tạo màn hình điện thoại.
Trước đó các nhà khoa học khác cũng từng chứng minh đặc tính "tự hồi phục" của các vật liệu như cao su hoặc chất keo đặc, nhưng Yu Yanagisawa là người đầu tiên chứng minh được khái niệm về thủy tinh "tự lành".
Khám phá này mở đường cho việc chế tạo ra loại thủy tinh siêu bền có thể giúp tăng gấp 3 lần tuổi thọ các sản phẩm như cửa sổ xe hơi, bể cá, bồn cầu...