Ước tính trong năm nay, các nhà cung cấp kính thực tế ảo trên toàn cầu sẽ xuất xưởng 6,3 triệu thiết bị và gần một nửa trong số đó đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys, nhu cầu sở hữu kính thực tế ảo (VR) đang ngày càng tăng tại nhiều quốc gia và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Bên cạnh đó, việc chính phủ nước này từng bước dỡ bỏ rào cản thị trường cho mặt hàng VR thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa hăng hái sản xuất, cho ra sản phẩm với giá thành rẻ, chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ như Gear VR của Samsung hay Cardboard của Google.
"Sự cạnh tranh tăng cao thúc đẩy doanh nghiệp phải sáng tạo, không chỉ hoàn thiện về phần cứng cho VR mà còn phải đa dạng hóa nội dung. Dù mảng này đang còn yếu, đã có nhiều công ty chú trọng phát triển, chủ yếu là trò chơi, video… như Huawei, DeePoon, Pico, Pimax hay Idealens. Họ đã phô diễn sản phẩm của mình tại triển lãm CES Asia 2016 và nhận được sự quan tâm của nhiều người", Jason Low, nhà phân tích của Canalys, cho biết.
Hội nghị Điện tử Tiêu dùng châu Á (CES Asia 2016) là sự kiện công nghệ lớn vừa diễn ra trong ba ngày tại Thượng Hải (Trung Quốc), kết thúc hôm 13/5 và thu hút 375 công ty tới từ 23 quốc gia tham gia. Theo Low, đây là môi trường tuyệt vời để các sản phẩm thực tế ảo tiếp cận công chúng hơn bằng cách cho họ dùng thử sản phẩm để đánh giá chất lượng.
Tuy vậy, ông Low nhấn mạnh, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải đưa ra các chiến lược dài hạn hơn là chạy theo xu thế, bởi thị trường VR nước này rất phân tán. Bên cạnh đó, họ đang vấp phải sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu quốc tế như Samsung, Oculus, HTC, Sony hay Google.
Theo VNE