Góp phần vào chiến thắng vang dội đó, có những người lính xứ Nghệ anh dũng quả cảm. Nhân kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022), Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với 2 nhân chứng sống, những người đã đi qua nhiều cuộc chiến đấu oanh liệt để bảo vệ đất nước, góp phần giành độc lập hòa bình cho dân tộc.
Chúng ta đánh địch bằng chính tinh thần gan dạ, dũng cảm
Cựu chiến binh Trần Xuân Kình: Cuối năm 1953, tôi 19 tuổi và bắt đầu vào Quân đội. Sau khi huấn luyện tân binh, trên đường hành quân ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ra đến Hát Lót thì tôi là 1 trong 80 tân binh nhận được lệnh cử đi Trung Quốc để tập huấn pháo cao xạ. Sau 1 tháng huấn luyện, chúng tôi được lệnh kéo pháo về chiếm lĩnh trận địa Điện Biên Phủ. Khi đó trận địa chúng tôi đóng ở Hồng Cúm gần sân bay Hồng Cúm của địch. Nhiệm vụ của người lính pháo cao xạ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là đánh máy bay, khống chế trên không, không cho máy bay “bà già” và máy bay Dakota của Pháp lên thả dù tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, để cho các lực lượng của quân đội ta hành động ở dưới mặt đất.
Lần khống chế đầu tiên trong Chiến dịch 56 ngày đêm, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là vào tháng 4/1954. Khi ấy có một máy bay Dakota từ Hà Nội xuất hiện trên bầu trời Điện Biên Phủ, khi vào đến cự ly 3.700m thì chúng tôi nổ súng buộc chúng phải loạng choạng bay ra và thả toàn bộ dù ra ngoài trận địa của quân ta.
Hay nhất là trong số những hàng hóa của bọn chúng bị rơi xuống có 1 chiếc hòm đựng quân hàm Thiếu tướng Đờ Cát tơ-ri - Chỉ huy trận địa Điện Biên Phủ. Trước đó, Đờ Cát-tơ-ri chỉ mang quân hàm đại tá nhưng để động viên tinh thần trước chiến dịch, Chính phủ Pháp đã phong lên quân hàm Thiếu tướng nhưng rồi toàn bộ quân hàm lại rơi vào tay quân đội ta. Sở dĩ chúng loạng choạng và thả vội vì hỏa lực của pháo cao xạ rất mạnh. Sau trận đánh đó, đại đội của chúng tôi được biểu dương vì đã lập công lớn.
P.V: Thưa ông, Chiến dịch Điện Biên Phủ chỉ kéo dài 56 ngày đêm trong một thế trận không cân sức giữa ta và địch. Vậy với lực lượng pháo cao xạ khi đó, trong một thời điểm còn “non trẻ” như vậy khiến chúng ta gặp những khó khăn gì?
Cựu chiến binh Trần Xuân Kình: Đúng vậy, thời điểm đó, vũ khí quân lực của chúng ta còn hết sức thô sơ và chúng ta đánh địch bằng chính tinh thần gan dạ, dũng cảm, mặc dù kỹ thuật, chiến thuật vẫn còn nhiều hạn chế.
Việc kéo pháo vào trận địa thời chống Pháp cũng khác nhiều với thời kỳ chống Mỹ. Bởi thời kỳ sau này, khi biết pháo vào thì dân quân, du kích tập trung ra giúp bộ đội, người thì kéo pháo, người thì đắp công sự. Nhưng ở chiến trường Điện Biên Phủ khi ấy không có dân và nếu có thì cũng không thể cho vào. Vì vậy, việc kéo pháo chủ yếu là do bộ đội thực hiện. Quả thực lúc ấy, ăn không đủ, bộ đội làm ngày làm đêm hết sức vất vả, gian khổ. Việc kéo pháo vào trận địa quả không dễ dàng.
Với pháo cao xạ, không phải lên đồi như pháo mặt đất. Nhưng điều đặc biệt là khi đó ô tô không sử dụng được vì sợ lộ bí mật nên chúng tôi phải sử dụng sức người.
P.V:Thưa ông, đâu là thời điểm quyết định đến Chiến thắng Điện Biên Phủ?
Cựu chiến binh Trần Xuân Kình:Thời điểm quan trọng nhất chính là chiều 6/5/1954 khi chúng ta tập trung hỏa lực pháo, cối bắn dữ dội vào các cứ điểm. Tại đồi A1, sau khi một tiểu đội giật một quả bộc phá 960kg làm toang một phần lớn quả đồi A1 tiêu diệt hầm ngầm thì bắt đầu Bộ chỉ huy của Tướng Đờ Cát-tơ-ri bắt đầu lúng túng. Đến rạng sáng ngày 7/5, khi chúng ta chiếm hoàn toàn khu đồi A1 thì trận đánh kết thúc thắng lợi và tạo tiền đề để chúng ta thực hiện tổng công kích vào nhiều cứ điểm quan trọng của địch và buộc chúng phải giơ cờ trắng đầu hàng. Đó cũng là giây phút hạnh phúc nhất của chúng tôi, mừng vui không tả xiết, phấn khởi, rạo rực.
Trong những lần khống chế máy bay địch, lần khiến chúng tôi phải cân não là thời điểm tổng tấn công bởi lúc này máy bay Dakota của Pháp xuất hiện rất nhiều với tần suất bay liên tục trên vùng trời Điện Biên, có khi một lần từ 5 – 6 chiếc. Lệnh của cấp trên phân công mỗi đại đội được đánh vào máy bay giặc. Đại đội của chúng tôi ở trận địa Hồng Cúm do vậy cũng đánh, ngắm vào những máy bay bay qua trận địa (bay qua phía Nam sân bay Hồng Cúm). Tuy nhiên, không hiểu sao khi đã vào gần cự ly bắn rồi thì tự nhiên chúng lại bay ra. Nhưng lệnh của trên, tất cả đều phải sẵn sàng và đúng như dự đoán, mấy phút sau chúng lại bay vào và đại đội của tôi đồng loạt nổ súng. Dù không bắn rơi máy bay nhưng đã làm cho quân địch hoảng sợ, loạng choạng và bay tán loạn trên không trung, thả dù ra trận địa bên ngoài của quân ta.
P.V:
Cựu chiến binh Trần Xuân Kình:Tôi không có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ bởi khi ấy chúng tôi mới là một pháo binh trẻ. Sau này, tôi mới có dịp gặp ông và gần nhất là dịp chúng tôi đại diện cho Ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên Phủ ra Hà Nội được ông viết thư đề tựa cho cuốn sách "Điện Biên Phủ điểm hẹn". Bức thư rất ngắn nhưng tôi nhớ rất rõ những lời Đại tướng gửi gắm: “Mong các đồng chí tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, luôn nêu cao tình đồng đội, thương yêu đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và tích cực góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong lịch sử quân sự thế giới có lẽ hiếm có một người nào xuất thân từ một thầy giáo dạy Lịch sử, chưa từng được kinh qua một trường lớp chính quy nào về quân sự lại được giao sứ mệnh cầm quân để rồi trở thành linh hồn của Chiến dịch Điện Biên Phủ như Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, dù là một vị Đại tướng, Tư lệnh chiến dịch nhưng đồng chí Võ Nguyên Giáp giống như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi của bộ đội. Trước nhiều trận đánh lớn, bao giờ Đại tướng cũng viết thư thăm hỏi, động viên bộ đội, dân công và những tình cảm chân tình của vị Tư lệnh chiến dịch đã tiếp thêm sức mạnh cho các mũi, các hướng sẵn sàng xung trận.
“Chia lửa” cho Điện Biên Phủ
P.V:Thưa cựu chiến binh, Trung tá Hà Ngọc Khánh, tôi được biết, ngoài 56 ngày đêm chúng ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ thì trước đó có những lực lượng chiến đấu ở vòng ngoài để ngăn chặn Pháp mở rộng chiến trường, làm phá sản kế hoạch Na-va của Pháp, buộc Pháp phải rút về cố thủ tại Điện Biên Phủ. Là một nhân chứng lịch sử, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh: Ngày nhỏ, tôi thấp bé, nhẹ cân nên từ năm 1949 tôi đã xung phong đi nhập ngũ nhưng không được chấp nhận. Phải đến năm 1950, khi phát động phong trào tổng động viên để bổ sung lực lượng chống Pháp thì tôi với rất nhiều thanh niên trong xã Hội Sơn (Anh Sơn) mới được gọi nhập ngũ. Ban đầu tôi được gọi vào học khóa 2 Trường Sỹ quan quân chính Liên khu 4. Tôi không nhớ chúng tôi học vào tháng mấy, nhưng khoảng sau 8 tháng thì lớp tổ chức bế mạc vào mùa Thu giữa rừng. Trong số này, cấp trên chọn 30 lính trinh sát bổ sung cho Đại đoàn Bình Trị Thiên và tôi là một trong số đó. Trước khi đi, chúng tôi không kịp chuẩn bị gì, chỉ kịp húp bát cơm chan với nước rau muống rồi đeo ba lô mây lên đường. Chuyến đi của chúng tôi kéo dài 3 ngày, đến tả ngạn sông Thạch Hãn (Quảng Trị) thì kiếm đò qua sông. Nơi đây cách thị xã Quảng Trị chỉ khoảng 2km…
Từ đó, đến năm 1953, chúng tôi vẫn chiến đấu ở Bình Trị Thiên (từ đèo Ngang đến Thừa Thiên Huế). Đến tháng 9/1953, chúng tôi được lệnh chuyển toàn bộ quân ra phía Tây Nam của đèo Ngang thực hiện “rèn cán chỉnh quân”. Sau này chúng tôi nghi binh qua Bến Thủy, Nghi Lộc đến Diễn Châu, Quỳnh Lưu và sau đó dừng lại. Cùng với đó, Đại đoàn 304 từ ngoài vào nhập với đơn vị chúng tôi đi ngược lên Nam Đàn, qua đường 12 lên Hương Khê – Hà Tĩnh rồi từ đó sang Trung Lào. Dọc đường đi chúng tôi gặp rất nhiều dân công được huy động để phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Lúc đó, chúng tôi cũng không biết nhiệm vụ của mình là gì. Chỉ nhớ trên đường đi gặp rất nhiều voi rừng. Riêng lính trinh sát vừa đi hành quân, vừa có nhiệm vụ phải học tiếng Lào, đêm ngủ trên đường, dùng lá cọ để lót lưng, đậy đầu. Khi đi đến giữa đỉnh Trường Sơn, thấy bên mưa bên nắng chúng tôi biết là mình đã đến Lào. Tại đỉnh Pha – na – phẩu trên trục đường 12, đất bạn Lào chúng tôi đã chiến đấu rất ác liệt để hút địch, làm nhiệm vụ “che lửa”, giãn quân cho Điện Biên Phủ. Theo như tôi được biết, việc nhờ chúng tôi đánh trước 1 tháng đã giãn được 21 đội quân tập trung cho Điện Biên Phủ. Chúng tôi cầm cự ở đây đến 8 tháng và phải đến tháng 6/1954 khi Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn thành thì mới nhận được lệnh về Việt Nam và sau đó tiếp tục giải phóng được Quảng Bình, Đồng Hới, Quảng Trị…
P.V:Mặc dù không được trực tiếp vào Chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng ngày đó, hẳn các ông vẫn nghe được tin chiến thắng và cảm giác như thế nào, thưa ông?
Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh:Ngày đó chưa có điện thoại như bây giờ nhưng trên các máy phát, thông tin về Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn cập nhật hàng ngày và chúng tôi được thủ trưởng cập nhật thường xuyên. Ngày nghe tin chiến thắng, anh em ai cũng vui mừng, phấn khởi. Bản thân chúng tôi dù không đi vào đúng trận địa nhưng vẫn thấy được sự đóng góp của mình vì chúng tôi đã “giữ quân địch”, không cho chúng tràn vào Điện Biên Phủ. Tôi cũng đã từng bắt được tù binh là một người lính người Ả-rập và sau đó đã được khen thưởng nhờ thành tích này.
P.V:Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với đời binh nghiệp, sau kháng chiến chống Pháp lại tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi sau này còn làm giảng viên Khoa Tham mưu quân báo của trường Quân sự. Vậy đời binh nghiệp điều gì là ý nghĩa nhất?
Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh: Đời binh nghiệp vui nhất là hoàn thành nhiệm vụ và sống một cuộc đời trong sạch, ý nghĩa. Tôi may mắn vì các con đều được học hành và trưởng thành, làm những công dân có ích cho đất nước. Tôi vẫn luôn dạy con sống có nghĩa khí, không tham lam và phải giữ được gia phong của một gia đình quân đội. Ở tuổi ngoài 90, với tôi đó là hạnh phúc và may mắn!.
P.V: Cảm ơn cựu chiến binh Trần Xuân Kình, cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh về cuộc trao đổi này!
- Cựu chiến binh Trần Xuân Kình (88 tuổi) hiện đang sống tại phường Vinh Tân (thành phố Vinh) và hiện vẫn tham gia công tác Hội Người cao tuổi tại địa phương. Ông đã có nhiều thành tích xuất sắc và được khen thưởng nhiều huân, huy chương tại 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Cựu chiến binh Hà Ngọc Khánh (93 tuổi) hiện đang sống tại xã Đức Sơn (Anh Sơn). Ông từng làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã. Tháng 5/2019, ông là đại biểu duy nhất của huyện Anh Sơn đi dự Hội nghị gặp mặt cán bộ quân đội có thành tích xuất sắc do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức.